Tô Chủ tịch có đi theo vết xe đổ của các Chủ tịch nước tiền nhiệm hay không?

Nguyên tắc “Đảng cử Quốc hội bầu” đối với thể chế chính trị toàn trị như Việt Nam, thì mọi nghị quyết của Trung ương Đảng, hay ý chí của Bộ Chính trị, sẽ được Quốc hội chuẩn thuận thông qua, là điều gần như bắt buộc.

Theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 khóa 13, Bộ trưởng Tô Lâm sẽ là ứng viên duy nhất cho chức vụ Chủ tịch nước. Nhưng, Quốc hội vẫn hết sức lúng túng khi bầu bổ sung chức vụ Chủ tịch nước, sau khi ông Võ Văn Thưởng mất chức do tham nhũng.

Dự kiến, chức danh Chủ tịch nước sẽ được chính thức công bố vào sáng 22/5, sau một cuộc bỏ phiếu kín ở Quốc hội. Theo nguyên tắc “tập trung dân chủ” và quy định trong Điều lệ Đảng, bắt buộc Tô Lâm phải thực hiện Nghị quyết vừa kể.

Tuy nhiên, có nhiều biểu hiện cho thấy, ông Tô Lâm đang lần lữa, câu giờ, để tìm cách thoái thác. Tô Lâm đã đưa ra nhiều điều kiện, nhiều đòi hỏi khác nhau, trước khi phải rời bỏ chức vụ đầy quyền lực, để chuyển sang chiếc ghế Chủ tịch nước “có tiếng mà không có thực quyền”.

Đây là những đòi hỏi được đánh giá là chính đáng, vì trên thực tế, kể từ sau Đại hội 12 đến nay, đã cho thấy, ghế Chủ tịch nước là một chiếc ghế “có dớp”, bất kỳ ai ngồi vào chiếc ghế này đều gặp họa.

Đầu tiên là ông Trần Đại Quang. Ông làm Chủ tịch nước chỉ được 2 năm rưỡi, rồi đột tử do mắc “bệnh lạ”. Sau đó, Tổng Trọng đã thay thế vị trí của ông Quang. Tuy nhiên, ông Trọng chỉ tại nhiệm ở vị trí Chủ tịch nước hơn 6 tháng, thì lăn ra trong “biến cố” Kiên Giang, vào tháng 4/2019.

Sau Đại hội 13, cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước. Nhưng ông Phúc cũng chỉ ngồi ở chiếc ghế này vẻn vẹn 1 năm 288 ngày, thì bị buộc phải từ chức. Thay thế ông Phúc là ông Võ Văn Thưởng. Trớ trêu thay, ông Thưởng cũng chỉ tại vị trong 1 năm 18 ngày.

Công luận đặt câu hỏi về tương lai chính trị của Bộ trưởng Tô Lâm, khi bị “ép” phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Đó là, Tô Chủ tịch liệu có tránh được vết xe đổ của các Chủ tịch tiền nhiệm hay không?

Trong bối cảnh chính trường Việt Nam đã có những xáo trộn rất lớn ở thượng tầng. Trước Hội nghị Trung ương 9, trong một cuộc họp của Bộ Chính trị, đa số các ủy viên đã thông qua Nghị quyết, buộc ông Tô Lâm phải trở thành ứng viên cho ghế Chủ tịch nước, để Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Ngoài ra, ông Tô Lâm còn bị cáo buộc, đã lạm dụng quyền lực chống tham nhũng, để hạ tới 5/18 ủy viên Bộ Chính trị, trong thời gian rất ngắn. Điều đó đã gây ra những xáo trộn lớn, cùng với sự bất ổn trong nội bộ Đảng.

Để loại bỏ các nhân vật cấp cao, những đối thủ tiềm năng trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư tại Đại hội 14, Tô Lâm đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra sâu rộng các doanh nghiệp sân sau. Đó là lý do vì sao, các đối thủ chính trị “cứng cựa”, là những ứng viên hàng đầu và thân cận với Tổng Trọng, như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai, liên tiếp bị đốn ngã và bị buộc phải rời cuộc đua.

Một tình trạng chung của các quan chức của Đảng, đó là, bất kỳ ai cũng đều nhúng chàm, vấn đề là đã lộ hay chưa bị lộ mà thôi. Kể cả Tô Lâm, ông cũng chẳng hề sạch sẽ gì, thậm chí còn vướng vào những cáo buộc tham nhũng khủng khiếp.

“Vết chàm” Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, làm thất thoát của nhà nước hơn 7.000 tỷ đồng, ông Tô Lâm có đóng một vai trò hết sức quan trọng trong vụ này.

Công ty AVG của Phạm Nhật Vũ có giá trị của 95% cổ phần chỉ chừng 1.900 tỉ, nhưng được thổi lên thành… 8.900 tỉ. Vậy mà Bộ Công an lại nhân danh “an ninh quốc gia”, xếp thương vụ này vào loại “Mật”. Thậm chí, Bộ Công an còn khẳng định, giá mua 8.900 tỉ là… “thấp hơn so với định giá của các đơn vị thẩm định giá”.

Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ và cáo trạng của Viện Kiểm sát, đánh giá, các văn bản “mật” và “tối mật” của Bộ Công an “không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định”, và đề nghị “Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật”. Trớ trêu thay, cả 3 công văn này đều do Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ký.

Đó là chưa kể tới, các đồn đoán về việc Cơ quan An ninh Quân đội, trực thuộc Bộ Quốc phòng, đang lật lại hồ sơ đối với Tập đoàn Xuân Cầu Holdings, một công ty sân sau của gia đình Bộ trưởng Tô Lâm.

Theo giới phân tích, nếu Bộ Quốc phòng vào cuộc điều tra vụ án này, thì đây là một sự kiện chấn động, và có khả năng sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị của Chủ tịch nước Tô Lâm.

Chúng ta hãy chờ xem./.

 

Trà My – Thoibao.de