Khả năng đối mặt với cáo buộc “chống Đảng”, tương lai của Tô Chủ tịch rất xấu?

Nhà nước Việt Nam đi theo đường lối chuyên chế, độc đoán, giống các quốc gia độc tài toàn trị như Nga, Trung Quốc, hay Bắc Triều Tiên…

Nhận xét về việc ông Tô Lâm trở thành Chủ tịch nước, giới quan sát quốc tế cho rằng, với việc “Tứ trụ” có đến 2 lãnh đạo cấp cao nhất, đi lên từ ngành công an, đã càng tô đậm thêm ấn tượng về một nhà nước “công an trị”.

Số lượng chính thức của lực lượng công an chưa bao giờ được nhà nước tiết lộ. Nhưng, theo ước tính của một số người quan tâm, lực lượng công an cả chính quy lẫn bán chính quy, vào năm 2013 là khoảng 6,7 triệu người, trong đó có 1,2 triệu công an chính quy.

Ngày 1/7 tới đây, khi Luật “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” chính thức có hiệu lực thi hành, thì quân số của Bộ Công an sẽ tăng thêm khoảng 300.000 nhân lực.

Có nghĩa là, quân số của Bộ Công an đã lên tới khoảng 7 triệu, nghĩa là, cứ 100 người dân thì có 7 nhân viên thuộc biên chế của Bộ Công an (7%). Trong khi, trên thế giới, tỷ lệ trung bình là 1 cảnh sát cho 426 người dân.

Nghị quyết về Dự toán ngân sách năm 2024 được Quốc hội thông qua, cho thấy, ngân sách chi cho Bộ Công an đứng thứ 2, chỉ sau Bộ Quốc phòng. Cụ thể, ngân sách cho Bộ Công an năm 2024 lên tới 113.000 tỷ đồng, cao hơn so 99.000 tỷ đồng vào năm 2023.

Liên quan tới những xáo trộn rất lớn trên thượng tầng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, giới phân tích nhận định rằng, do Tổng Trọng đã trao cho Tô Lâm quá nhiều quyền lực để chống tham nhũng, và Tô Lâm đã sử dụng quyền lực đó để hạ tới 5 ủy viên Bộ Chính trị, chỉ trong một thời gian ngắn.

Ông Trọng, với gần 3 nhiệm kỳ trên cương vị Tổng Bí thư, đã có ảnh hưởng rất lớn trong nội bộ Đảng, và có thể luôn kiểm soát được đa số thành viên của Bộ Chính trị. Đó là lý do vì sao, khi các tướng lĩnh cao cấp của quân đội chính thức vào cuộc, mọi mưu toan chính trị của Bộ trưởng Tô Lâm lập tức bị bẻ gãy.

Xin nhắc lại, trong một cuộc họp của Bộ Chính trị trước Hội nghị Trung ương 9, đa số các ủy viên đã thông qua Nghị quyết, buộc ông Tô Lâm phải chấp nhận ghế Chủ tịch nước. Theo giới thạo tin, ông Tô Lâm đã đưa ra yêu cầu, phải cho 1 trong 2 lãnh đạo Bộ Công an, là Nguyễn Duy Ngọc hoặc Lương Tam Quang, vào danh sách bầu bổ sung Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 9, nhưng không đạt được đồng thuận. Đó là lý do khiến 2 tướng Nguyễn Duy Ngọc và Lương Tam Quang hết hy vọng ngồi vào ghế tân Bộ trưởng Bộ Công an, để yểm trợ cho Chủ tịch nước Tô Lâm.

Ngày 19/5, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Trung ương Đảng “chưa giới thiệu nhân sự để bổ nhiệm Bộ trưởng Công an”. Dường như, ông Tô Lâm sẽ kiêm nhiệm cả 2 chức: Chủ tịch nước và Bộ trưởng Công an.

Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này trái với Hiến pháp, nhưng là một thủ thuật của trò chơi chính trị đối với Tô Lâm.

Điều đó có liên quan gì đến thông tin mới nhất, theo BBC Việt ngữ đưa tin, “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vắng mặt”. Bản tin cho biết, sáng 20/5, Quốc hội khai mạc cuộc họp thường kỳ lần 7, sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước – hai trong “Tứ trụ”. Sau khi Quốc hội bỏ phiếu, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Theo BBC, kỳ họp thường kỳ này của Quốc hội, vì thế mà có tầm quan trọng. Nhưng trong buổi đầu tiên, Tổng Trọng không xuất hiện.

Ngoài ra, một số kiến cho rằng:

“Bộ trưởng Tô Lâm và Ban lãnh đạo Bộ Công an đang thực hiện một cuộc “đảo chính” không tiếng súng, với mục tiêu tranh ngôi đoạt vị, và tiến tới giành chức Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng. Bởi lý do, ông Trọng đang tìm mọi cách để câu giờ và ngồi lại nhiệm kỳ Tổng Bí thư lần thứ 4.”

Điều đó có nghĩa là, Bộ trưởng Công an Tô Lâm có dấu hiệu phạm “trọng tội đảo chính”, hay “tạo phản trong Đảng” – đây là một trọng tội tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Nhà văn Phạm Lưu Vũ trong status “Lịch sử có lặp lại?” đã cho rằng:

“Gần thì đời Lý, có vụ phản loạn ở cung đình, vì làm nửa chừng nên thất bại. Những kẻ tham gia chết không có đất chôn. Có người cũng nhờ đổi họ, mà được vô sự. Gần nữa thì… chưa biết. Nhưng nếu ai giỏi kinh sử, thì liệu mà đổi họ đi là vừa.”

Ông Vũ cho rằng, lịch sử “luôn có sự lặp lại”.

Những điều vừa kể cho thấy, ông Tô Lâm – một chính khách đầy quyền lực của Đảng, phút chốc có thể trở thành tội đồ.

Đây là hệ quả của một thể chế chính trị không tôn trọng luật pháp, và cũng là điều dễ hiểu./.

 

Trà My – Thoibao.de