Cơn bão chính trường trong gần 2 tháng qua, được xã hội quy tội cho ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an. Chính Tô Lâm tạo phản; Tô Lâm đốn ngã Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ; khiến bà Trương Thị Mai rũ áo ra đi; và cũng không loại trừ sẽ có thêm người trong Bộ Chính trị tiếp tục rơi rụng.
Ai cũng biết, Tô Lâm làm loạn là để triệt hết những người có khả năng cạnh tranh với ông chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ tiếp theo. Theo truyền thống của Đảng, các phe phái vẫn thường xuyên đấu đá tranh giành chức vụ. Tuy nhiên, chưa có bao giờ, cuộc đấu đá lại khốc liệt như bây giờ.
Nếu nói, kẻ khiến Bộ Chính trị tan hoang như hôm nay, là Tô Lâm cũng đúng, mà là Tổng Trọng cũng đúng. Trước đây, để được ngồi vào ghế Tổng Bí thư, các ứng viên phải được sự tín nhiệm của Tổng Bí thư đương nhiệm, và nhờ đó, được Tổng Bí thư giới thiệu tại Đại hội Đảng. Một khi đã được đương kim Tổng Bí thư giới thiệu, thì gần như chắc chắn trúng cử. Vương Đình Huệ từng muốn đi theo con đường như thế, tuy nhiên, Tô Lâm nổi lên và đạp đổ tất cả.
Giờ đây, việc tranh giành ghế Tổng Bí thư đang hỗn loạn hơn bao giờ hết. Tô Lâm sẵn sàng đánh mọi đối thủ, còn Bộ Chính trị thì muốn lùa Tô Lâm lên ghế Chủ tịch nước, và chặn phe Hưng Yên, không cho nắm Bộ Công an. Nghĩa là muốn cô lập họ Tô. Chính vì đấu nhau loạn như thế, nên luật duy nhất áp dụng cho cuộc chơi này, là “luật của kẻ mạnh”.
Nhiều người đổ cho Tô Lâm đã gây ra tình cảnh hỗn loạn này, nhưng thực chất, điều này là do chính Tổng Trọng gây ra.
Chính vì ông Trọng tham quyền cố vị, muốn bám ghế Tổng Bí thư suốt đời, đã khiến cho những kẻ bên dưới mất kiên nhẫn và làm phản. Để ngồi lại nhiệm kỳ thứ 3, ông Tổng đã đạp lên trên Đảng luật, để tự ban ân huệ cho chính mình. Ông Trọng đã tự tạo ra tiền lệ như thế, thì Tô Lâm cũng hoàn toàn có thể làm theo và phá bỏ những trật tự trước đây.
Đáng lẽ, với vai trò là người đứng đầu Đảng cầm quyền của một quốc gia, ông Trọng phải biết tôn trọng pháp luật. Tuy nhiên, không những ông Trọng chẳng coi luật pháp quốc gia ra gì, mà ngay cả Đảng luật, ông cũng sẵn sàng chà đạp.
Khi Tổng Bí thư phá bỏ những trật tự trong quy trình xét chọn ứng viên cho vị trí Tổng Bí thư, thì liệu, Tô Lâm có cần phải tôn trọng những quy định do ông Trọng đưa ra hay không?
Việc Tô Lâm lợi dụng câu nói mị dân của ông Tổng, là “chống tham nhũng không có vùng cấm”, để đốn ngã chính những tay chân thân tín của ông Tổng, thì cũng chẳng có gì sai. Chỉ có người tự ban “ân huệ” cho chính mình, đạp lên luật pháp và cả Đảng luật, thì mới đáng bị lên án.
Việc tạo tiền lệ xấu của Tổng Trọng, đã khiến cho các cấp dưới của ông làm loạn, thì việc Tô Lâm lợi dụng phát ngôn mị dân của ông Trọng để làm loạn, cũng sẽ là tiền đề cho những kẻ muốn nổi loạn tiếp theo.
Cứ như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng không có hồi kết.
Là người đứng đầu Đảng, lẽ ra, ông Tổng phải là người làm gương cho toàn Đảng, về tính nghiêm minh của Đảng luật, đằng này, ông tự ý chà đạp nó, nghĩa là, tự ông đã phá bỏ trật tự trong Đảng.
Đến lúc này, ông Trọng đã già và quá nhiều bệnh tật, mà vẫn quyết bám ghế. Chẳng phải, ông đang nêu một tấm gương xấu cho Đảng hay sao? Lúc này, có lẽ, chỉ có cách dùng “bạo lực cách mạng”, may ra mới buộc được ông rời ghế.
Đẩy Đảng Cộng sản Việt Nam đến tình cảnh hỗn loạn như ngày hôm nay, không ai khác, chính là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hoàng Anh – Thoibao.de