Tổng Trọng nên nhận “trách nhiệm chính trị” để sửa chữa thể chế

Ngày 2/5, blog Lê Quốc Quân trên VOA Tiếng Việt bình luận “Ông Nguyễn Phú Trọng và “trách nhiệm chính trị”’.

Tác giả nhắc lại việc những lãnh đạo cấp cao của Đảng, thành viên Bộ Chính trị, đã phải từ chức trong thời gian qua, vì vi phạm “Những điều đảng viên không được làm… và chịu trách nhiệm người đứng đầu”.

Theo tác giả, trách nhiệm chính trị là một khái niệm không rõ ràng, và chưa có một văn bản nào quy định cụ thể, nhưng gần đây lại xuất hiện từ Trung ương đến địa phương, trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, mà có nhân tố “Đảng” lãnh đạo.

Tác giả dẫn quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, đăng trên báo Nhân dân, cho rằng:

“Trách nhiệm chính trị là chế độ trách nhiệm đòi hỏi các quan chức chính trị phải có được sự tín nhiệm của nhân dân, hoặc của những người đại diện cho nhân dân. Còn tín nhiệm thì còn chức quyền, hết tín nhiệm thì hết chức quyền.”

Vẫn theo tác giả, luật pháp và Đảng quy không có điều khoản nào phản bác cũng như ủng hộ quan điểm này của Tiến sỹ Dũng. Nhưng Đảng có Quy định về “Trách nhiệm nêu gương”, ghi rõ “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu nêu gương”, mà muốn nêu gương thì phải có tín nhiệm.

Vậy ai đo mức độ tín nhiệm?

Tác giả cho biết, Quốc hội dựa vào việc “Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”, để đo mức độ tín nhiệm của giới lãnh đạo.

Tuy nhiên, điều thú vị là, Việt Nam luôn có cách làm “khác” với thế giới, bằng những ngôn từ rất lạ. Nghị quyết của Quốc hội đưa ra 2 khái niệm: “Lấy phiếu tín nhiệm” và “Bỏ phiếu tín nhiệm”.

Trong “lấy phiếu” thì có 3 mức là: “tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp”. Còn “bỏ phiếu” thì chỉ có 2 mức là: “tín nhiệm hoặc không tín nhiệm”. Cùng một người, một sự việc có khi là “lấy phiếu” có lúc phải “bỏ phiếu”.

Nhưng, tác giả cho rằng, Đảng đã đặt nhân dân ra ngoài cuộc chơi đánh giá tín nhiệm này. Đảng thao túng toàn bộ “Người đại diện của dân”, bằng việc cài cắm hơn 97% đảng viên làm đại biểu Quốc hội, rồi qua đó, Đảng giành lấy quyền quyết định vào những thời điểm nhất định, ai là người có tín nhiệm, ai là người không.

Đảng chưa bao giờ có một cuộc trưng cầu dân ý, để xác định sự tín nhiệm của dân đối với Đảng và cán bộ Đảng. Mà sự tín nhiệm của nhân dân chưa chắc đã là sự tín nhiệm của Đảng và ngược lại.

Tác giả nêu dẫn chứng bằng 2 trường hợp: Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng. Cả 2 ông đều đạt phiếu tín nhiệm cao nhất để chọn làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội. Nhưng đây là sự tín nhiệm vô cùng mong manh, không phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng thực sự của dân. Và chỉ một thời gian sau, Đảng lại công bố họ “Vi phạm quy định và làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước”. Mọi sự là do Đảng, thậm chí là do một số rất ít người trong Đảng.

Tác giả đánh giá, sau hơn 13 năm ông Trọng cầm quyền, thực tiễn đã phơi bày ra trước mắt người dân, rằng nỗ lực chống tham nhũng của ông không khả thi.

Ông đã tự mở chiếc hộp “Pandora” ra, để dân thấy, bộ máy của nhà nước do Đảng lãnh đạo là một tập hợp của những ổ tham nhũng lớn, với sự băng hoại từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Trùm cuối được nhiều người xác định chính là thể chế.

Tác giả đánh giá, một mặt, ta thấy “sự dữ” từ chiếc hộp Pandora, nhưng mặt khác, ta cũng thấy được niềm hy vọng còn sót lại dưới đáy hộp, bởi nếu giải quyết được gốc rễ vấn đề, thì có thể giúp quốc gia cất cánh.

Tác giả kêu gọi, vì tương lai đất nước, ông Trọng nên tự nhận “Trách nhiệm chính trị”, rồi cho phép tự do báo chí, mở rộng không gian dân sự, xây dựng nhà nước pháp quyền, nâng cao trách nhiệm giải trình, minh bạch hoá chính sách, xây dựng cơ chế “Kiềm chế và đối trọng”, thì tự nó, theo thời gian, sẽ sửa chữa được khuyết tật của hệ thống.

Nếu được vậy, dân tộc Việt Nam sẽ tìm thấy niềm hy vọng để bình an đi tiếp vào tương lai.

 

Minh Vũ – thoibao.de