Phải chăng, chỉ khi bị bóc phốt, Vin mới đưa những hoạt động “mờ ám” vào báo cáo tài chính?

Ngày 17/4, trang cá nhân của Sonnie Tran có bài “Áp lực từ các bài bóc trần VinFast của tôi liệu đã có hiệu ứng?”

Thoibao.de giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Hôm qua, lúc tối, không biết trời xui đất khiến sao mà tôi lại đi đọc lại các báo cáo tài chính bán niên và kết niên năm 2023 của VinGroup, tôi lại phát hiện ra vài điều thú vị. Như mọi người đều biết là “VINGROUP ẨN MÌNH NHƯ THẾ NÀO” và kể cả những bài đưa thông tin về thương vụ mua Vincom Retail gần đây của tôi đều có nhắc tới Công ty Nam An – một công ty vỏ bọc của thân tín ông Vượng, để dùng Techcombank bơm tiền cho Vin.

Trong báo cáo tài chính bán niên (Quý 2) 2023, tôi đã phát hiện ra dấu tích của Nam An như thế này. Ở trang 53, có đoạn như sau:

“Khoản đặt cọc có giá trị 5.875 tỷ VND từ một đối tác theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, và các phụ lục hợp đồng với một công ty con, để hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng. Theo đó, đối tác được hưởng mức lợi nhuận theo tỷ lệ thỏa thuận với các bên trong thời gian hợp tác:

– 1,5% tính trên tổng doanh thu xe ô tô điện hợp nhất trên các thị trường của Công ty con trong năm 2023; và

– 0,5% tính trên tổng doanh thu xe ô tô điện hợp nhất trên các thị trường của công ty con, hoặc 5% lợi nhuận gộp của Công ty con cho năm 2024.”

Và đây là đoạn duy nhất nhắc về thương vụ này, cả trong một báo cáo bán niên 2023 dài 104 trang, hoàn toàn không nhắc một chữ Nam An nào cả. Nhưng trong báo cáo tài chính kết niên năm 2023, ở trang 79 mục 36.1, phần “Những giao dịch trọng yếu của Tập đoàn với các bên liên quan” thì lại có nhắc tới Nam An, với mối quan hệ là “Công ty sở hữu bởi bên cá nhân có liên quan đến ngày 15/12/2023”.

Thương vụ Nam An này diễn ra vào cuối tháng 3, nên trong báo cáo tài chính bán niên (Quý 2) 2023 của VinGroup không nhắc tới, nhưng tới báo cáo cuối năm 2023 thì lại nhắc tới, là khá bất ngờ. Nhất là sau vụ việc đó được tôi chia sẻ rộng rãi trên Facebook, dựa trên phát hiện của Albert trên Reddit, thì liệu đây có phải là do áp lực từ các bài viết của tôi mà VinGroup bắt buộc phải hé lộ công khai ra theo yêu cầu của công ty kiểm toán?

KHÔNG CHỈ CÓ NAM AN MÀ CÒN CÓ CÔNG TY KHÁC, VỚI HƠN 3.700 TỶ, VỚI CÁCH THỨC TƯƠNG TỰ.

Vì như các bạn thấy, trong suốt các báo cáo tài chính của VinGroup luôn có nhiều từ như cá nhân, đối tác,… một cách rất ẩn danh. Một ví dụ điển hình khác nữa cho ta thấy rằng, thực tế, ở quý 2, không phải VinGroup dùng mỗi mình Nam An để làm các thủ thuật tài chính bơm tiền cho VinFast. Cũng ở trang 53 báo cáo bán niên quý 2/2023, có đoạn nhắc về một thương vụ “đối tác” với cách thức y chang Nam An, chỉ khác về con số là:

“Khoản đặt cọc có giá trị 3.750 tỷ VND từ một đối tác theo hợp đồng hợp tác đầu tư và kinh doanh. Theo đó, đối tác được hưởng mức lợi nhuận phân chia cho năm 2023 và 2024 lần lượt là 6% và 5% tổng doanh thu bán pin của một công ty con.”

Vâng, y chang cách thức với Nam An, nhưng tôi đã cố gắng tìm lục trong báo cáo tài chính cuối năm 2023 của VinGroup, thì hoàn toàn không có thông tin hé lộ nào về đối tác này. Như vậy, liệu có chuyện là, khi VinGroup bị bóc phốt, moi móc ra, thì mới chịu hé lộ ở báo cáo tài chính, còn nếu không, vẫn sẽ áp dụng chiến thuật “giấu mình chờ thời” mà ông Phạm Nhật Vượng đã từng phát biểu tại Đại hội Cổ đông VinGroup, mà tôi cũng đã chia sẻ?

Và càng nhiều dấu vết được hé lộ ra, để chứng tỏ rằng, các nội dung trong bài viết “VinGroup ẩn mình như thế nào” của tôi là hoàn toàn chính xác.

Sự việc này cũng cho thấy cái kiểu làm ăn gian dối, thiếu trung thực của VinGroup không phải mới gần đây. Cũng như là, liệu có bao nhiêu thương vụ “ẩn mình” được thực hiện, mà không dưới áp lực bóc trần sự thật của tôi, nên vẫn còn được che giấu?

Tôi thiết nghĩ, Cơ quan An ninh Điều tra thay vì bắt cóc “áp giải” tôi, thì nên quay xe mà điều tra các sai phạm của Tập đoàn VinGroup đi là vừa. Không khéo, nó còn là một đại án lớn hơn rất nhiều lần Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát nữa đấy.

 

Quang Minh – thoibao.de