Sự khẩn thiết của Việt Nam trong việc vận động Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường

Ngày 8/4, VOA Tiếng Việt có bài “Việt Nam ráo riết vận động Mỹ để được công nhận nền kinh tế thị trường. Vì sao?”

VOA cho hay, từ Chủ tịch nước cho đến người đứng đầu ngành Công an, các lãnh đạo hàng đầu nhà nước Việt Nam đều đưa ra những lời kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, khi gặp các quan chức Mỹ, hay khi tham gia các sự kiện trên đất Hoa Kỳ, trong một nỗ lực cho thấy sự khẩn thiết của Hà Nội, để có được sự công nhận của Washington.

Theo VOA, Việt Nam nằm trong danh sách 12 quốc gia bị Mỹ xác định là nền kinh tế phi thị trường, vốn được xem là những nước độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại. Trung Quốc và Nga cũng nằm trong danh sách này của Washington vì có sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế.

Ngay trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội hồi tháng 9/2023, Việt Nam đã nộp đơn lên Bộ Thương mại Mỹ để yêu cầu đánh giá lại tình trạng nền kinh tế phi thị trường, và chính quyền Biden đã đồng ý xem xét lại.

Đề nghị để Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam cũng được nêu trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi 2 nước nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

VOA dẫn nhận định của Giáo sư Zachary Abuza thuộc Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, cho rằng:

“Nhận được quy chế kinh tế thị trường là ưu tiên ngoại giao cao nhất của lãnh đạo Việt Nam trong năm nay, đặc biệt sau khi nâng cấp hai bậc trong quan hệ ngoại giao (với Mỹ) vào mùa thu năm ngoái.”

Vẫn theo VOA, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam, với tổng kim ngạch năm 2023 hơn 125 tỷ USD. Mỹ cũng khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, trong đó, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá.

VOA dẫn lời bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho biết:

“Nếu được công nhận, khi đối mặt với các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá, doanh nghiệp Việt sẽ không phải chịu cách tính toán bất lợi.”

VOA cũng dẫn lời Giáo sư Abuza, tác giả cuốn sách “Đổi mới chính trị ở Việt Nam đương đại,” nói:

“Ngoài những lời kêu gọi của thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao và phó thủ tướng, chính phủ Việt Nam còn thuê cả một công ty vận động hành lang ở (Washington) DC để giúp giành được sự ủng hộ của quốc hội (Mỹ).”

VOA cũng cho biết, một điều tra của nhà báo Greg Rushford hồi năm 2017 cho thấy, Chính phủ Hà Nội bỏ ra triệu đô la để vận động các chính sách có lợi cho Việt Nam, từ vấn đề Biển Đông cho đến nhân quyền.

VOA tiếp tục cho hay, cả Giáo sư Abuza và nhà nghiên cứu Hiebert đều cho rằng, Việt Nam muốn vận động mạnh mẽ với chính quyền Biden trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra, mà có thể có sự thay đổi về người đứng đầu Nhà Trắng.

“Ông Trump đã khởi động một cuộc điều tra đối với việc phá giá của Việt Nam ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ông ấy có thể lại làm như vậy một lần nữa,” ông Hiebert nói.

Nhưng, VOA cũng cho hay, cuộc vận động của Việt Nam đang vấp phải những phản đối từ trong nước Mỹ.

Hai nhóm gồm hơn 30 nhà lập pháp Mỹ hồi cuối tháng 1 đã gửi các bức thư chung tới Bộ trưởng Raimondo, để kêu gọi chính quyền Biden không công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ lập luận rằng, Việt Nam không đáp ứng các yêu cầu về thủ tục để thay đổi tình trạng, và cho rằng, việc cấp quy chế này cho Việt Nam sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng.”

Theo Giáo sư Abuza, Mỹ “không thể trông cậy vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, vì nước này không có tư cách nền kinh tế thị trường”. Ông cho rằng, “Việt Nam trước đây đã thao túng tiền tệ và khu vực nhà nước vẫn nhận được quá nhiều sự trợ cấp và bảo hộ”.

Mặt khác, VOA dẫn lời Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, việc công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường là công cụ cuối cùng của Mỹ, để gây áp lực với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trong vấn đề cải thiện các điều kiện nhân quyền và tự do ngôn luận ở Việt Nam.

VOA cũng dẫn Báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ về tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam, đưa ra hôm 4/3, khuyến nghị Quốc hội Mỹ “xem xét thành tích nhân quyền của Việt Nam, mà một số nhà quan sát cho là yếu kém và đang xấu đi”.

 

Hoàng Anh – thoibao.de