Sau 8 năm tận tụy vâng lời ông Tổng, nhưng trong kế hoạch “nhường ngôi”, lại không có phần cho Tô Lâm. Chắc rằng, Tô Lâm cũng cảm nhận, bản thân ông chỉ là công cụ cho một ông già lẩm cẩm.
Vất vả và phải chịu đựng bao nhiêu điều tiếng để làm tròn bổn phận của kẻ “bề tôi” trung thành, vì tuân lệnh sếp mà phải lặn lội sang tận trời Âu, bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đem về, vậy mà kẻ “ngồi mát ăn bát vàng” là Vương Đình Huệ lại được chiếu cố.
Cùng là người của phe lò, nhưng ông Huệ dường như được ông Trọng cất giấu an toàn, chỉ khi có mâm cao cỗ đầy, thì mới mời ra thưởng thức. Không biết, ông Tổng bí thư muốn bảo vệ cho “học trò cưng”, hay Vương Đình Huệ ma mãnh, né nặng tìm nhẹ, và canh đến lúc hưởng thành quả thì nhảy ra xí phần?
Còn nhớ, ở Trung ương Đảng khóa 11, ông Nguyễn Phú Trọng cho khôi phục lại Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương, để đem Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá Thanh về giao việc. Vương Đình Huệ được giao chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương, còn Nguyễn Bá Thanh được giao chức Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Ban Nội chính chịu trách nhiệm soi những vấn đề trong nội bộ Chính phủ, còn Ban Kinh tế Trung ương soi những chính sách về kinh tế của Chính phủ. Thế nhưng, Nguyễn Bá Thanh ra mặt thách thức “hốt liền không nói nhiều”, còn Vương Đình Huệ thì lặng im không ra mặt. Cuối cùng, Nguyễn Bá Thanh trúng “bệnh lạ” lìa đời, sau đó, Vương Đình Huệ nghiễm nhiên hưởng hết những đặc ân mà ông Tổng ban cho.
Lò ông Nguyễn Phú Trọng dựng lên từ năm 2016, chính là lúc mà Tô Lâm được vào Bộ Chính trị và nắm chức Bộ trưởng Bộ Công an. Kể từ đó đến nay, Tô Lâm là người tích cực nhất trong việc giúp ông Trọng nhóm củi đốt lò, còn Vương Đình Huệ chẳng đóng góp gì nhiều. Thế mà, vai trò “thái tử” lại được giao cho Vương Đình Huệ. Có vẻ như, ông Trọng không công bằng ngay trong nội bộ phe lò của ông?
Giữa năm ngoái, một lần nữa, ông Trọng lại giành lấy chức Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại Hội 14. Với sự thiên vị của ông Trọng, thì có lẽ, khó có cửa cho Tô Lâm chiếm “ngôi cao”, nếu cứ ngoan ngoãn đợi đến hết nhiệm kỳ, chờ ông Tổng sắp xếp. Và có lẽ vì thế mà Tô Lâm quyết định “tạo phản”. Quyết làm đảo lộn mọi kế hoạch của Tổng Trọng, ngăn cản kẻ “ngồi mát ăn bát vàng” tiếp tục bước đến “ngai vàng”, chỉ như vậy mới có cơ hội cho Tô Lâm. Và chuyện Tô Lâm dẫn dắt nhóm Hưng Yên kịch chiến với nhóm Nghệ An của Vương Đình Huệ, như là một hệ quả tất yếu.
Khi Nguyễn Phú Trọng có ý định “nhường ngôi” cho Vương Đình Huệ, thì cách tốt nhất là vô hiệu hóa vai trò của ông Tổng, hoặc thậm chí, có thể loại ông ra khỏi ghế quyền lực càng sớm càng tốt. Khi ông Trọng đánh mất vai trò, thì Vương Đình Huệ cũng hết cơ hội.
Về phần Vương Đình Huệ, ông cũng không thể ngồi một chỗ mà chờ đợi Tổng Bí thư sắp xếp được nữa. Có tin, Vương Đình Huệ đã thông qua nhóm Nghệ An, đẩy Phan Đình Trạc ra chặn đường Tô Lâm. Chưa biết Phan Đình Trạc có giành được chức Bộ trưởng Bộ Công an hay không, còn phải đợi kết quả.
Ngoài việc bố trí ông Trạc tranh ghế Bộ trưởng Bộ Công an, Vương Đình Huệ cũng phải tranh thủ đi Bắc Kinh để “triều kiến” Tập Cận Bình. Đây là bước đi cần thiết đối với Vương Đình Huệ, bởi một khi để Tập Cận Bình ủng hộ Tô Lâm hay một đối thủ khác, thì nỗ lực của nhóm Nghệ An có khả năng trở thành công cốc.
Ông Huệ vốn có thói quen “núp lùm”, đợi tàn cuộc rồi mới nhảy ra tranh phần. Nhưng xem ra, lần này thì không thể, bởi nếu ông còn núp lùm, thì chẳng khác nào trao cơ hội vào tay Tô Lâm, nên ông Huệ đành phải “trồi mặt ra”.
Hoàng Anh – Thoibao.de