Ngày 23/3, BBC Tiếng Việt đặt vấn đề “Chủ tịch nước kế nhiệm ông Võ Văn Thưởng sẽ là ai?”
BBC dẫn quan điểm của các chuyên gia đánh giá, sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thôi chức chỉ sau hơn một năm, cho thấy chuyển biến khó lường của chính trị Việt Nam, có thể làm giảm uy tín Đảng Cộng sản và khiến bộ máy quan liêu cồng kềnh ngày càng trở nên trì trệ.
Theo BBC, có 5 người đạt tiêu chuẩn theo quy định, để kế nhiệm “chiếc ghế xui xẻo” này. Đó là: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.
Tuy nhiên, vẫn theo BBC, nếu Thủ tướng Phạm Minh Chính trở thành Chủ tịch nước, vị trí Thủ tướng bị trống và cần có thêm những sắp xếp phức tạp nữa. Giới phân tích cho rằng, khả năng này là không có. Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đã lớn tuổi và sức khỏe yếu, khó kiêm nhiệm thêm một lần nữa.
Do đó, các ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Chủ tịch nước được cho là Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.
Về Bộ trưởng Công an Tô Lâm
BBC cho hay, ông Tô Lâm sinh năm 1957, quê Hưng Yên, làm việc ở Bộ Công an từ năm 1979, hiện mang hàm Đại tướng.
Giáo sư Carl Thayer từ Úc, nhận định, “Tô Lâm đã giữ chức Bộ trưởng 2 nhiệm kỳ và không thể tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa”, đồng thời từng là ứng cử chức Chủ tịch nước sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức”. Từ đó, khả năng ông Tô Lâm “được phân công” là khá lớn.
BBC nhắc lại vụ Tô Lâm tham gia bữa tiệc xa hoa “thịt bò bít tết dát vàng”, vào năm 2021, giữa đại dịch Covid-19.
Ông cũng bị đánh giá là người không khoan nhượng với những quan điểm, hành động khác biệt với đường lối chính thống của Đảng. Nhiều nhà hoạt động chính trị, môi trường, nhà báo tự do… đã bị bắt dưới thời ông nắm lực lượng công an.
Một trường hợp đáng chú ý là ông Bùi Tuấn Lâm ở Đà Nẵng, sau khi đăng video nhại lại động tác đầu bếp Salt Bae, đã bị “công an thăm hỏi”, sau đó bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam và 4 năm quản chế, với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân và gây hoang mang trong nhân dân”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Về Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai
BBC cho biết, bà Mai sinh năm 1958, quê Quảng Bình, đi lên từ con đường Đoàn Đội.
Bà là nữ Thường trực Ban Bí thư đầu tiên của Việt Nam. Nếu được bổ nhiệm làm Chủ tịch nước, bà sẽ trở thành nữ Chủ tịch nước đầu tiên.
Tuy nhiên, BBC dẫn một hãng tin quốc tế nhận xét, chức vụ Thường trực Ban Bí thư của bà Mai có khả năng bị lung lay, trong tình hình cải tổ bộ máy lãnh đạo.
Điều khiến bà Mai trở thành ứng viên sáng giá, lại xuất phát từ chính điểm yếu của bà: Bà không có nhiều quyền lực và có vẻ không quá tham vọng quyền lực.
Bà Mai sẽ 68 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2026, đồng nghĩa với việc, bà sẽ quá tuổi để tái cử vào Bộ Chính trị.
Về Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
BBC cho rằng, ứng viên đạt tiêu chuẩn còn lại là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông Huệ sinh năm 1957, quê Nghệ An, là Giáo sư, Tiến sĩ kinh tế.
Nếu ông Huệ làm Chủ tịch nước, chức vụ Chủ tịch Quốc hội sẽ trống, gây ra chuyển biến trong giới lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, việc bầu Chủ tịch Quốc hội mới không cấp bách bằng Thủ tướng. Nhưng ông Huệ có vẻ “không mặn mà” với chức vụ Chủ tịch nước.
Thay vào đó, ông Huệ từng được đánh giá là ứng viên sáng giá cho vị trí Tổng Bí thư kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng, nếu ông Trọng từ nhiệm trước năm 2026.
Chủ tịch nước kế nhiệm ông Võ Văn Thưởng sẽ là ai?
Thu Phương – thoibao.de