Chủ tịch huyện bị lừa 170 tỷ và trách nhiệm của Tổng Trọng?

Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam giành được chính quyền, ông Hồ Chí Minh từng viết, “Cuộc đời Cách mạng thật là sang”. Đây là cách thể hiện lối tư duy tích cực, khi mà ông Hồ Chí Minh hàng ngày vẫn phải “cháo bẹ, rau măng”.

Sau khoảng 80 năm, những “học trò” của Hồ Chí Minh, ở thời đại mà Cộng sản nắm chính quyền, giàu có đến mức không thể giải thích nổi.

Báo Tuổi Trẻ ngày 22/3 đưa tin, “Chủ tịch huyện Nhơn Trạch bị lừa đảo 100 tỉ đồng, Công an Đồng Nai khẩn cấp điều tra”. Bản tin cho biết, Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp điều tra việc Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Nhơn Trạch – bà Nguyễn Thị Giang Hương, bị lừa đảo hơn 100 tỉ đồng, tương đương hơn 4 triệu USD.

Cũng liên quan sự việc này, theo báo Thanh Niên cùng ngày lại tiết lộ, số tiền mà bà Giang Hương bị lừa lên đến 170 tỷ đồng, bằng gần 7 triệu USD.

Theo đó, nhóm lừa đảo này đã yêu cầu bà Giang Hương mở một tài khoản và nộp tiền vào đó. Sau đó, bằng nhiều cách khác nhau, nhóm lừa đảo qua mạng đã lấy tiền từ tài khoản này, mỗi lần vài chục tỉ đồng. Theo Tuổi Trẻ Online, bà Giang Hương giải thích: “Đây là vụ hacker tấn công vào tài khoản. Tiền trong tài khoản chứ tôi không chuyển tiền”.

Mạng xã hội và các diễn đàn chính trị của người Việt đã dậy sóng về câu chuyện này, với sự giàu có bất thường của giới lãnh đạo Việt Nam. Công luận đặt câu hỏi, “Chỉ là một Chủ tịch huyện thôi, tiền đâu ra mà nhiều vậy?”

Facebooker Quang Nguyễn thắc mắc: “Mới làm Chủ tịch huyện mà đã có 100 tỏi trong tài khoản, đó là phần nổi, còn của chìm thì không biết còn có bao nhiêu nữa. Cho hỏi ở đâu ra mà có nhiều vậy?”

Lập tức, Facebooker Dung Dang trả lời: “Lũ cướp chứ làm lãnh đạo gì, người ta làm chính trị là lo cho dân, còn bây giờ, bọn lãnh đạo cho thấy, chúng nó chỉ làm kinh tế để làm giàu thôi, chứ chính trị gì bọn này”.

Cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, nhà báo Hoàng Linh, đã nghi ngờ thông tin trên và viết trên trang cá nhân rằng:

“Muốn tiếp cận Chủ tịch phải có quan hệ, có vị thế, người giới thiệu, quà ra mắt. Đó là chưa kể, muốn leo lên chức Chủ tịch phải đạp lên bao người, Chủ tịch lừa người ta thì có chứ ai lừa được Chủ tịch”.

Công luận thấy rằng, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam, trước đây “cấp nhỏ thì ăn nhỏ, cấp lớn ăn lớn”, nay đã tiến tới tình trạng “nhỏ ăn lớn, lớn cũng ăn lớn, nhưng cũng không tha miếng nhỏ”. Đúng như lời cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng than thở, về “tình trạng cán bộ ăn không chừa cái gì của dân”.

Một câu hỏi đặt ra là, tại sao, nhà cầm quyền lại để xảy ra tình trạng bi đát như vậy, và ai là người phải chịu trách nhiệm?

Theo giới phân tích, trong nước cũng như quốc tế, khi nói về công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Tổng Trọng hiện nay, đều có chung một nhận xét rằng, “Việt Nam càng chống, thì tham nhũng càng nhiều, bởi đó là căn bệnh kinh niên của thể chế chính trị độc đảng”. Khi mà bộ máy kiểm soát và điều chỉnh quyền lực đã bị vô hiệu hóa đến mức tê liệt, như hiện nay.

Với sự độc đoán và chuyên quyền của Tổng Trọng, từ sau Đại hội Đảng lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị chỉ còn là cái bóng của Tổng Bí thư. Những gì ông Trọng nói, được coi như là “nghị quyết” và là “kim chỉ nam”.

Cho dù, Điều lệ của Đảng quy định rõ, chức năng của Bộ Chính trị là cơ quan lãnh đạo và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức cán bộ và nhân sự, cho các chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và nhà nước.

Công khai minh bạch tài sản quan chức là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc phòng chống tham nhũng ở mọi quốc gia, kể cả Việt Nam.

Một câu hỏi được đặt ra đối với Đảng bộ Đồng Nai, cũng như Tổng Trọng, về vụ lừa đảo nói trên. Đó là, công luận cần biết: “Số tiền 170 tỷ của bà Chủ tịch huyện Nguyễn Thị Giang Hương, có thể hiện trong bảng kê khai tài sản hay không, và đã được xác minh làm rõ hay chưa?”

Xin nhắc lại, Tổng Bí Trọng cũng không gương mẫu nêu gương trong việc kê khai tài sản. Cụ thể, ngày 6/5/2018, ngay trước ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng khóa 12, trên Facebook xuất hiện bức thư ký tên tập thể. Theo đó, các đảng viên đã yêu cầu Tổng Trọng phải công khai tài sản của cá nhân.

Công luận thấy rằng, Tổng Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt, với cam kết “không vùng cấm”. Lẽ ra, là lãnh đạo nắm giữ chức vụ cao nhất – Tổng Bí thư – thì càng phải gương mẫu trong việc kê khai tài sản. Đó cũng là nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật./.

Chủ tịch huyện “bị lừa” 170 tỷ và trách nhiệm của Tổng Trọng?

Trà My – Thoibao.de