Ngày 20/3, Trung ương Đảng nhóm họp để cho ông Võ Văn Thưởng thôi hàng loạt các chức vụ mà ông đang nắm giữ. Cũng kỳ họp này, Trung ương Đảng biểu quyết thi hành kỷ luật bà Hoàng Thị Thúy Lan – cựu Bí thư Tỉnh uỷ, cựu Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, người vừa bị Tô Lâm “bắt sống” trước đó không lâu.
Tiếp đó, ngày 21/3, Quốc hội họp phiên họp bất thường lần thứ 6 của khóa 15, để gật những gì mà Trung ương Đảng đã quyết trước đó một ngày – bỏ phiếu cho thôi chức Chủ tịch nước của ông Võ Văn Thưởng.
Còn nhớ vào năm ngoái, cụ thể là ngày 18/1/2023, Quốc hội cũng đã họp phiên bất thường, để tiến hành miễn nhiệm chức Chủ tịch nước và cho thôi vai trò Đại biểu Quốc hội của Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng đến ngày 2/3/2023, Quốc hội mới bầu Chủ tịch nước mới. Như vậy, sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc rời ghế, các bên đã đùn đẩy nhau đến 45 ngày sau mới ngã ngũ.
Lần này lại khác, ông Thưởng rời ghế vào lúc đã gần đến thời điểm tổ chức Đại hội 14, chỉ còn khoảng 1 năm rưỡi nữa. Đây là khoảng thời gian các bên đánh nhau dữ dội nhất để giành ghế. Tô Lâm muốn vào Tứ trụ để hưởng suất đặc biệt, nhưng ông cũng muốn an toàn khi ngồi vào ghế này, chứ không lắm rủi ro như 4 đời Chủ tịch nước trước đó.
Bản thân ông Tô Lâm thì rất tham vọng và thâm sâu. Trước khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước, ông phải bố trí cho được, để các đồ đệ Hưng Yên của ông ngồi vào những ghế có thể hỗ trợ quyền lực cho ông.
Nếu ngã giá được những vị trí mà ông nhắm đến, thì Tô Lâm có thể an tâm. Nếu không, thì một khi ông đã ngồi vào ghế Chủ tịch nước, sẽ rất nguy hiểm. Ông có thể gặp đại họa như Trần Đại Quang. Có 5 kịch bản cho Tô Lâm, trong đó có 3 kịch bản thành công, và 2 kịch bản thất bại.
Kịch bản thứ nhất, Tô Lâm ngồi vào ghế Chủ tịch nước, Lương Tam Quang ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an, và Nguyễn Duy Ngọc ngồi vào ghế Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Nếu kịch bản này xảy ra, thì đây là thắng lợi to lớn cho nhóm Hưng Yên. Khi đó, Tô Lâm hoàn toàn có thể thâu tóm cả 2 chức Chủ tịch nước và Tổng Bí thư, đồng thời kiểm soát hết phần còn lại.
Kịch bản thứ nhì, Tô Lâm ngồi ghế Chủ tịch nước, Lương Tam Quang hoặc Nguyễn Duy Ngọc ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Tuy không hoàn hảo như kịch bản thứ nhất, nhưng kịch bản này cũng mang lại lợi thế lớn cho Tô Lâm. Bởi khi đó, Tô Lâm vừa có chân trong Tứ trụ vừa kiểm soát Bộ Công an.
Kịch bản thứ ba, Tô Lâm ngồi ghế Chủ tịch nước, Nguyễn Duy Ngọc ngồi ghế Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nhưng Bộ Công an lại rơi vào tay nhóm Nghệ An. Kịch bản này cũng không tệ, bởi khi đó, Nguyễn Duy Ngọc hoàn toàn có thể dùng “hồ sơ đen” để sai khiến các đồng chí trong Bộ Chính trị và trong Trung ương Đảng, bỏ phiếu cho Tô Lâm.
Kịch bản thứ tư, Tô Lâm ngồi ghế Chủ tịch nước, nhưng để mất Bộ Công an vào tay kẻ khác, và cũng không chiếm được chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho đàn em Hưng Yên. Đây là kịch bản tệ. Lúc này, Tô Lâm không có thế lực đằng sau hỗ trợ, thì khó làm nên cơm cháo gì, thậm chí, có thể khó bảo vệ chính bản thân.
Kịch bản cuối cùng, đấy là Tô Lâm ngồi lại ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Bởi nếu không ngã giá được chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương và chức Bộ trưởng Bộ Công an, hoặc một trong hai chức này cho phe Hưng Yên, thì tốt nhất, Tô Lâm nên chấp nhận ngồi lại ghế Bộ trưởng đến hết nhiệm kỳ rồi về vườn. Nếu thế lực hậu thuẫn không đủ mạnh mà vẫn ham hố nhảy vào ghế Chủ tịch nước, thì có khi thiệt thân.
Bài học của Võ Văn Thưởng rất rõ ràng. Ông Thưởng ngồi chơ vơ trên ghế Chủ tịch nước, không có phe cánh, nên bị phế truất. Nhưng nếu Tô Lâm mà ngồi chơ vơ trên ghế này, thì khả năng ông sẽ “bay màu” như Trần Đại Quang, bởi kẻ thù của ông sẽ không dễ dàng để cho ông chỉ bị truất phế.
Thưởng rụng và 5 kịch bản cho Tô
-Trần Chương-