Ngày 20/3, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của blogger Doãn An Nhiên, với tựa đề ‘“Vùng cấm” tham nhũng: chống kiểu “chịu trách nhiệm chính trị” không thể tạo nên bước ngoặt cải cách” (phần 1).
Tác giả nhắc lại việc Đảng từng nhấn mạnh, chống tham nhũng “không có vùng cấm”, ngụ ý ở cấp lãnh đạo cao nhất, như “Tứ trụ”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Dù có thể hiểu đây là cam kết chính trị hay tuyên truyền, nhưng không thể phủ nhận rằng, tham nhũng đã hiện hữu trong vùng cấm là một thực tế.
Tác giả phân tích, về nguyên lý, có thể lần theo đường dây tham nhũng nào đó, các đại án, để tìm manh mối. Tuy nhiên, trong bối cảnh tham nhũng không chỉ là thứ văn hoá chính trị, thứ vũ khí của chế độ, để bảo đảm cho tính chính danh qua tăng trưởng kinh tế, thì phòng chống tham nhũng đang là vấn đề lớn. Gần đây, Đảng đã vận dụng “chịu trách nhiệm chính trị”, như một kiểu chống tham nhũng “đặc thù”. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp căn cơ cho sự thay đổi hay sự đột phá thể chế.
Tác giả đề cập đến việc “Khởi tố 9 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn”, trong đó có các lãnh đạo đương nhiệm và nguyên lãnh đạo, của 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, và các đơn vị có liên quan. Họ là những quan tham cấp trung, người từng có chức vụ cao nhất là Bí thư Tỉnh ủy và thấp là cấp huyện, cấp phòng, thuộc chính quyền tỉnh.
Tác giả cho hay, vụ việc vẫn đang tiếp tục được mở rộng điều tra. Tính bất ngờ ở chỗ, nó chưa được đưa vào danh mục đại án trọng điểm năm 2024, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhưng tính chất nghiêm trọng của nó, hơn cả “trọng điểm”, vì lần theo đường dây này đã dẫn đến những cán bộ lãnh đạo trong “cung đình”. Đây sẽ là một sự kiện rung động chính trường trong năm 2024, khi nó liên quan đến nhân sự Đảng ở cấp nhà nước cao nhất.
Ngược lại, theo tác giả, một quan tham “cỡ bự” chẳng may “ngã ngựa”, cũng có thể khiến cho các doanh nghiệp “sân sau” rung động.
Bối cảnh thời kỳ chuyển đổi thị trường với nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan là quan hệ nhân quả. Quyền lực là thứ “ân huệ” đổi lấy lợi ích vật chất đang là thứ văn hoá chính trị độc hại huỷ hoại chế độ. Sau mỗi dự án công đều có “bóng dáng” của mối quan hệ thân hữu, trong đó doanh nghiệp và quan chức cấu kết.
Tác giả nhận xét, đa số quan tham bị “lộ” và bị cáo buộc nhận hối lộ, xuất phát từ các doanh nghiệp “làm ăn phi pháp”, dựa vào mối quan hệ quyền lực, thân hữu để giành các dự án công, nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà nước và của dân. Đây chỉ là một mắt xích trong đường dây tham nhũng và, về bản chất, đó là sự bảo trợ chính trị.
Tác giả tiếp tục đề cập đến “mắt xích” Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, trong đường dây tham nhũng xuyên suốt từ địa phương đến Trung ương. Đây là một trường hợp điển hình phản ánh nhiều bất cập thể chế, đặc biệt là công tác cán bộ – một lĩnh vực đang bị khủng hoảng.
Tác giả cho biết, công luận trong tỉnh từ lâu đã “xì xào” về sự “nâng đỡ” của Bí thư tiền nhiệm đối với bà Lan. Ông này thăng tiến lên Trung ương, thành nhân vật có thế lực. Một đường dây bảo trợ chính trị được thiết lập, chắc chắn nhưng “vô hình” đối với Đảng.
Tác giả nhận định, vô số những bất cập có thể chỉ ra từ trường hợp điển hình nêu trên, về chống tham nhũng và công tác nhân sự Đảng, trong đó, bài học trực tiếp được chỉ ra là sự yếu kém trong công tác tổ chức, quản lý cán bộ, đảng viên. Hơn thế, khi có sự bảo trợ chính trị từ trên, thậm chí là “vô hình”, dân chủ nội bộ ở cấp dưới, cấp cơ sở bị loại bỏ. Điều này cho thấy dân chủ hoá xã hội nói chung, cũng như xây dựng thể chế dân chủ để giám sát quyền lực quan trọng như thế nào!
Tuy nhiên, vẫn theo tác giả, Đảng “chối bỏ” thực tế này, vì bản chất quyền lực tuyệt đối. Bởi vậy, sự “bế tắc” về giải pháp chính sách căn cơ đang cản trở công cuộc cải cách, trong đó, thể chế là khâu đột phá chiến lược.
Đảng không có giải pháp để giải quyết “vùng cấm tham nhũng”
Quang Minh – thoibao.de