Ngày 20/3, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore có bài viết đăng trên trang mạng Fulcrum của Singapore. Bài viết được dịch giả Dương Lệ Chi biên dịch và đăng trên báo Tiếng Dân cùng ngày, với tựa đề “Hai Chủ tịch nước bị phế truất trong một năm: Triển vọng chính trị nào cho Việt Nam?”.
Theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức công bố việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ chức, chỉ sau một năm ông làm Chủ tịch nước.
Tác giả cho rằng, việc ông Thưởng từ chức đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn bất ổn chính trị mới ở Việt Nam. Kể từ Đại hội 13 của Đảng đầu năm 2021, đã có nhiều vụ cách chức và truy tố cấp cao, trong số đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị, 2 phó thủ tướng, 2 bộ trưởng và hơn chục lãnh đạo tỉnh. Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng bị cách chức hồi đầu năm 2023, sau khi nhậm chức chưa đầy 2 năm.
Tác giả nhận định, cũng giống như Phúc, sự ra đi của Thưởng sẽ không dẫn đến những thay đổi chính sách đáng kể, nhưng nó gây ra mối lo ngại cho các nhà đầu tư, khiến họ bất an. Tệ hơn nữa, sức khỏe kém của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kế hoạch kế nhiệm ông không rõ ràng, có thể sẽ làm gia tăng đấu đá chính trị nội bộ, trong kỳ Đại hội Đảng toàn quốc kế tiếp, vào đầu năm 2026. Điều này càng làm trầm trọng thêm mối lo ngại của các nhà đầu tư.
Tác giả đánh giá, ý nghĩa về việc rơi đài của Thưởng đối với tương lai chính trị Việt Nam, đặc biệt là về chuyện tranh giành ghế Tổng Bí thư, phụ thuộc vào việc ai sẽ đảm nhận vai trò của Thưởng. Theo quy định của Đảng và theo tương quan quyền lực, hiện nay, chỉ có ông Tô Lâm và bà Trương Thị Mai trở thành những lựa chọn khả dĩ nhất cho chiếc ghế Chủ tịch nước.
Tác giả phân tích, ở tuổi 66, Tô Lâm có thể rất quan tâm đến ghế Chủ tịch nước, vì nó cho phép ông tìm kiếm một ngoại lệ, đối với quy định giới hạn độ tuổi của Đảng, và tranh chức vụ cao nhất vào năm 2026. Tuy nhiên, ông cũng có thể dè dặt, bởi chức Bộ trưởng Bộ Công an hiện tại của ông có quyền lực rất lớn. Mặt khác, bà Mai cũng là một ứng cử viên sáng giá, bởi quyền lực của bà tương đối yếu, nghĩa là, bà khó có thể tận dụng chức Chủ tịch nước để làm phương tiện tranh cái ghế hàng đầu trong Đảng vào năm 2026.
Một lựa chọn khác, theo tác giả, là Đảng bẻ cong các quy tắc của chính mình, và đề cử một chính trị gia không đủ tiêu chẩn nhưng có khả năng mang lại sự ổn định. Trong kịch bản này, ứng cử viên tiềm năng có thể là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, hay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang. Tuy nhiên, các phe phái trong Đảng có thể không ủng hộ quyết định này.
Trong bối cảnh đó, vẫn theo tác giả, những bất ổn chính trị ở Việt Nam sẽ tiếp tục xảy ra. Một số nhà đầu tư có thể quyết định đợi cho đến khi mọi chuyện lắng xuống, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư lớn nào. Quan hệ đối ngoại của đất nước cũng có thể bị ảnh hưởng, với khả năng bị trì hoãn hoặc hủy bỏ các cuộc trao đổi song phương cấp cao, ví dụ như chuyện hoãn chuyến thăm của Vua Hà Lan vừa qua.
Tác giả nhận xét, ngay cả sau khi Chủ tịch nước mới được bầu, đấu đá chính trị nội bộ có thể vẫn tiếp tục.
Tác giả kết luận, Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban lãnh đạo Đảng có thể giảm thiểu các bất ổn này, bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực và bầu ra một tân Chủ tịch – người có thể đảm nhiệm chức vụ của mình một cách an toàn đến năm 2026. Đây sẽ là trọng tâm chính của họ lúc này. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư thông qua hợp lý hóa các thủ tục quan liêu, nâng cao hiệu quả trong việc ra quyết định, xóa bỏ các rào cản pháp lý và quy định đối với các nhà đầu tư. Cần ưu tiên để giải quyết những bất ổn chính trị và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng chính trị và kinh tế của đất nước.
Bất ổn chính trị khiến các nhà đầu tư e ngại
Xuân Hưng – thoibao.de