Truyền thông nhà nước chiều 20/3 loan tin, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bất thường, đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi tất cả các chức vụ.
Đồng thời, báo chí quốc doanh cho biết, ngày 21/3, Quốc hội cũng sẽ họp bất thường, để miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng.
Tin này chỉ là sự xác nhận lời đồn đã lan truyền nhiều ngày qua trên mạng xã hội, và các diễn đàn chính trị của người Việt.
Theo đó, Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng sẽ phải từ chức, để chịu trách nhiệm về những cáo buộc liên quan đến tham nhũng, trong giai đoạn ông giữ chức Bí thư Quảng Ngãi, nhiệm kỳ 2011 – 2014.
Ông Võ Văn Thưởng – một nhân tố trẻ, được đào tạo bài bản và được sự nâng đỡ, dìu dắt của Tổng Trọng là điều có thật, khó có thể bác bỏ. Bất kể, gốc gác của ông Thưởng vẫn là một điều hết sức “bí ẩn”. Câu hỏi “Cha mẹ Võ Văn Thưởng là ai?”, đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Dựa vào quá trình thăng tiến nhanh chóng của ông, theo giới quan sát, Võ Văn Thưởng thuộc diện “con ông cháu cha”, là “hạt giống đỏ”. Một số đồn đoán cho rằng, Võ Văn Thưởng có quan hệ huyết thống với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người có quê quán gần huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, chỉ cách nhau một con sông. Nhưng không có tài liệu nào xác nhận điều này.
Việc ông Võ Văn Thưởng bất ngờ bị đứt gánh giữa đường, chỉ sau một thời gian ngắn ngủi ngồi trên chiếc ghế Chủ tịch nước, là một điều chưa từng có. Có nhiều suy đoán khác nhau về lý do ông “ngã ngựa”, nhưng tựu chung có thể là 3 khả năng sau:
- Ông Võ Văn Thưởng bị cáo buộc nhận 60 tỷ từ đàn em hay người thân là ông Đặng Trung Hoành – Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ông Hoành bị bắt ngày 8/3, bị cáo buộc là người đã nhận 60 tỷ của Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, để xây nhà thờ tổ cho ông Thưởng ở quê nhà. Đổi lại, Tập đoàn Phúc Sơn được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng ký giao cho các công trình đầu tư với giá trị cả ngàn tỷ đồng, vào năm 2012.
- Vì sự nghiệp chính trị của mình, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã “hạ gục” Chủ tịch Thưởng, để đoạt ghế Chủ tịch nước. Như vậy, Tô Lâm sẽ trở thành một trong Tứ trụ, để được hưởng “suất đặc biệt”. Khi đó, Tô Lâm có thể ngồi lại trong danh sách nhân sự “chủ chốt” của Đại hội 14. Tuy nhiên, suy đoán này, cần phải tính đến trường hợp một nhân sự quan trọng khác, đó là, ai sẽ ngồi vào chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Điều này có ý nghĩa quyết định sự an toàn về sau cho ông Tô Lâm. Đây là điều nằm ngoài khả năng định đoạt của ông Tô Lâm, tại thời điểm hiện nay.
Ông Võ Văn Thưởng được đánh giá là một nhân vật có tư tưởng cải cách, có xu hướng thân phương Tây. Trong chuyến thăm Trung Quốc cuối năm 2023, ông Thưởng đã có những phát biểu khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phật ý. Đó có thể là một trong những lý do, ông Tô Lâm được “bật đèn xanh” để ra tay.
- Suy đoán thứ 3 tuy là điều khó tin, nhưng khả năng cao, sẽ là điều có thật. Theo giới quan sát, khi có tin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được đánh giá là nhân vật kế cận cho chiếc ghế Tổng Bí thư, thì nhiều ý kiến đã nhận xét rằng, Võ Văn Thưởng sẽ “rụng sớm”. Đó là bài học kinh nghiệm đã rút ra từ các ứng viên trước đó, như Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc – những người đã bị triệt hạ không thương tiếc, dù mới chỉ “nhăm nhe” ghế Tổng Bí thư.
Cần nhắc lại, trong yến tiệc ngày 12/12 tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Trọng đã nghẹn ngào gần khóc, nói rằng: “Đồng chí Tập Cận Bình còn trẻ hơn tôi nhiều. Nhưng mà tôi thì cũng đã già rồi, rất muốn gửi gắm và trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ”.
Theo giới phân tích, ông Trọng nói “muốn”, thì phải hiểu là “không muốn”.
Tại sao vậy?
Việc Tổng Trọng không dám nghỉ hưu, mà muốn chết trên ghế Tổng Bí thư, để đảm bảo sự an toàn cho cá nhân và gia đình, là điều có thật. Bởi nỗi ám ảnh “cá ăn kiến rồi kiến sẽ ăn cá”, và bởi, ông Trọng là người gây quá nhiều thù và sẽ chuốc nhiều oán với các đồng chí của mình. Một khi nghỉ hưu, khả năng cao là sẽ bị trả thù.
Cho nên, việc chọn Võ Văn Thưởng kế nhiệm, một phần lớn bởi lý do này.
Nhưng đến lúc này, suy đi tính lại, ông Trọng cũng không dám tin ông Thưởng nữa, bởi ông Thưởng đã và đang bị chi phối bởi phe chính trị miền Nam. Mà ngày 25/4/2023, các cựu lãnh đạo Cộng sản miền Nam đã nhóm họp, thống nhất ủng hộ Võ Văn Thưởng ngồi lên ghế Tổng Bí thư.
Một nguồn thạo tin nói với thoibao.de rằng, không ai khác, chính Tổng Trọng là người chủ động diệt Võ Văn Thưởng, để mở đường sửa đổi Điều lệ Đảng, tại Hội nghị Trung ương 9, sẽ họp vào tháng 10/2024, cho phép ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ngồi ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 4. Thoibao.de không có khả năng xác nhận tính khả tín của tin vừa kể.
Chúng ta hãy chờ xem!
Thí V.V Thưởng Tổng Trọng sẽ ngồi lại ghế Tổng Bí thư lần thứ 4?
Trà My – Thoibao.de