Hơn 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP HCM không còn tài sản thế chấp để vay vốn
Ngày 12/3, RFA Tiếng Việt loan tin “Hơn 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh không còn tài sản thế chấp để vay vốn”.
RFA dẫn số liệu nêu trong báo cáo tháng 2/2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), cho hay, hiện có tới 41% doanh nghiệp khảo sát không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.
HUBA đưa ra nhận định, tình hình vay vốn của các doanh nghiệp tại Sài Gòn vẫn rất khó khăn, dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư, cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay.
Theo HUBA, nhiều ngành sản xuất tại thành phố này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ; những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí, điện- điện tử, nhựa, cao su, hóa chất, kinh doanh bị suy giảm do thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao.
Theo RFA, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay hầu hết là những chi tiết rời rạc, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu, trong khi doanh nghiệp ngành này chịu mức lãi suất vay cao từ 7 – 8%.
Trước đó, ngày 26/1, Thời báo Tài Chính cho biết, thời điểm này, lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Ngỡ tưởng, sau thời gian dài lãi suất neo ở mức cao, thì hiện xuống đáy sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên trên thực tế, dòng tiền đầu tư để phục hồi sản xuất kinh doanh vẫn là bài toán đau đầu và “sức khỏe” của doanh nghiệp chưa cải thiện là mấy. Bởi kinh tế suy thoái nặng nề, thị trường suy giảm sâu, nên dù lãi suất ở mức thấp, thì vẫn cao hơn với mức tăng trưởng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cho đến lúc này, khi nền kinh tế đã suy thoái ở mức chưa từng thấy, kể từ khi mở cửa nền kinh tế, thì nhà nước và báo chí vẫn không nói thật cho người dân biết về nguyên nhân thực sự dẫn đến suy thoái, dẫn đến việc ngành dệt may và các ngành khác mất đơn hàng. Mà đầu ra mới là vấn đề then chốt quyết định sức khoẻ nền kinh tế.
Bởi nguyên nhân thực sự, bản chất của vấn đề, nằm ở quan điểm chính trị của nhà cầm quyền. Đó là sự nhu nhược, yếu hèn của họ đối với Trung Quốc, và sự tham lam vô độ, dẫn đến thái độ mặc kệ của quan chức về vấn đề môi trường.
Từ tháng 6/2022, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, theo đó, cấm tất cả các hàng hoá được sản xuất, hoặc sử dụng nguyên liệu từ Tân Cương. Bởi nơi này, trên danh nghĩa là Khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ, nhưng thực chất lại là nơi Trung Quốc thực hiện cuộc diệt chủng nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ, khi cưỡng bức họ lao động, tra tấn và hãm hiếp.
Điều đáng nói là, đa số hàng hoá Việt Nam sản xuất lại sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Tân Cương, do đó, đã bị chặn không vào được Hoa Kỳ. Đó mới là lý do chính yếu cho việc mất đơn hàng.
Mặt khác, việc Việt Nam chậm chạp trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, vì bị nhóm lợi ích điện than đang thao túng ngành điện, và việc đàn áp các nhà hoạt động môi trường, cũng góp phần quan trọng khiến hàng hoá Việt Nam không xuất khẩu được đến các nước G7 và các nước phát triển khác.
Một vấn đề khác khiến nền kinh tế suy giảm trầm trọng, đó là sự sai lầm của chính sách, khi duy trì lãi suất cao trong một thời gian dài, ngay vào thời điểm mà doanh nghiệp đã chịu quá nhiều tổn thương sau đại dịch và do mất đơn hàng. Việc này, giống như một cú đấm bồi một võ sĩ đã bị thương, khiến họ gục ngã hoàn toàn.
Thu Phương – thoibao.de