Vẫn còn 1 T.M. Lan “bikini”, bao giờ ông Tổng sờ tới?
Năm 2012, bà Trương Mỹ Lan thâu tóm Ngân hàng SCB bằng cách gộp 3 ngân hàng nhỏ khác. Đó là ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng Sài Gòn (SCB). Đây là những ngân hàng yếu kém nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước, bị mua lại 0 đồng, hoặc sáp nhập vào các ngân hàng lại.
Từ ngày bà Lan thâu tóm SCB cho đến khi bị bắt là 10 năm. Trong khoảng thời gian này, bà Trương Mỹ Lan đã kịp rút của SCB 1.066.000 tỷ đồng, tương đương 43,94 tỷ đô la Mỹ. Theo kết luận điều tra của công an, trong số tiền khổng lồ này, bà Lan đã chiếm đoạt và không có khả năng trả lại là 304.096 tỷ đồng, cộng thêm số tiền lãi phát sinh là 129.372 tỷ, thành tổng cộng 433,000 tỷ đồng (tương đương 18 tỷ đô la Mỹ). Phần lớn trong số này là tiền gửi tiết kiệm và tiền mua trái phiếu của người dân.
Từ một Trương Muội nhỏ nhoi trở thành một Trương Mỹ Lan quyền thế và giàu có, điều này được sinh ra bởi cơ chế quản lý của nhà nước này. Và đương nhiên, đã có một Trương Mỹ Lan này, thì chắc chắn, sẽ còn nhiều Trương Mỹ Lan khác. Những người được liệt kê vào đồng hạng với Trương Mỹ Lan, là những ông chủ bà chủ của các tập đoàn lớn, nắm quyền điều hành trong các hệ sinh thái. Họ đều hoạt động dựa trên nguyên tắc, dùng ngân hàng để huy động vốn từ người gửi tiền, hoặc các nhà đầu tư, rồi cướp đoạt tiền của họ.
Trong số các tập đoàn này, có thể kể đến bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị của VietJet Air, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng HDBank. Như vậy, tương tự bà Trương Mỹ Lan, bà Thảo vừa là chủ một doanh nghiệp, vừa nắm một ngân hàng trong hệ sinh thái.
Công thức thành đạt hiện nay là: doanh nghiệp tư nhân kết hợp với thế lực chính trị. Đây là mối nguy cho người dân và nền kinh tế đất nước, bởi trong các hệ sinh thái này, ngân hàng chính là kênh để lừa gạt, chiếm dụng tiền của người dân, rồi tuồn vào tay các ông bà chủ.
Bà Trương Mỹ Lan từng được thế lực chính trị là dòng họ Lê – Trương đỡ đầu.
Còn VietJet thì có một người phụ nữ khác đỡ đầu. Người này xuất thân từ một “gia đình có công với Cách mạng” nổi tiếng. Người này là cầu nối giúp VietJet có được lợi thế thương trường, thông qua quyền lực chính trị. Đó chính là bà Nguyễn Thanh Hà – con gái cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chị gái ông Nguyễn Chí Vịnh – cố Thượng tướng Quân đội. Bà Hà cũng là người từng nắm giữ các chức vụ lớn trong chính quyền Cộng sản, như Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Trưởng ban Kế hoạch Đầu tư của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.
Một hãng tin nổi tiếng nước ngoài từng gọi hãng hàng không VietJet của bà Thảo là hãng hàng không bikini. Nguyên nhân là vào năm 2012, bà Thảo đã cho một số người đẹp mặc bikini catwalk, nhảy múa trên chuyến bay tuyến thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang. Từ việc này, bà Thảo bị chỉ trích là dùng trò rẻ tiền, hạ cấp. Có lẽ, nói đến bà Thảo, người ta nghĩ ngay đến những cô gái mặc “bikini” của hãng bay này, chính từ chiến lược marketing quái đản của bà.
Đấy chỉ là một trường hợp rất giống với bà Trương Mỹ Lan. Ở đất nước này, còn rất nhiều Trương Mỹ Lan khác, với công thức “thành công” tương tự nhau: Chủ doanh nghiệp đồng thời nắm giữ một ngân hàng trong hệ sinh thái. Khi chưa bị lộ, những người này vẫn là “doanh nhân thành đạt”, còn sau khi đổ bể, thì họ trở thành tội đồ của đất nước. Một khi thế lực chính trị đỡ đầu không còn trụ được nữa, thì bản chất của doanh nghiệp mới lộ ra.
Hiện nay, thế lực của Lê Thanh Hải đã không còn đủ mạnh để chống đỡ cho bà Trương Mỹ Lan, và bộ mặt thật của doanh nghiệp Vạn Thịnh Phát mới bị lộ. Còn với những Trương Mỹ Lan khác, liệu ông Tổng có ý định sờ tới hay không? Hay ông chỉ làm một vụ lấy tiếng, rồi thả cho những Trương Mỹ Lan khác tồn tại?
Hãy đợi xem, liệu ông Tổng có làm triệt để hay không?
Trà My – Thoibao.de