“Thư hùng” Bộ Công an: Trần Quốc Tỏ một mình cân 2 tướng phe Tô?
Trần Quốc Tỏ, em trai cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người từng được anh trai mình thiết kế lộ trình tiến thân tương tự như Phạm Minh Chính.
Năm 2015, khi ông Trần Đại Quang là Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tỏ được thuyên chuyển về Thái Nguyên làm Bí thư Tỉnh uỷ. Tuy nhiên, không như ông Phạm Minh Chính, chỉ sau một nhiệm kỳ làm Bí thư tỉnh là vào được Bộ Chính trị, ông Tỏ lại không thể vào Bộ Chính trị, bởi người anh của ông đã ngã bệnh mà chết.
Sau một nhiệm kỳ làm Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên, ông Trần Quốc Tỏ quay trở lại Bộ Công an tá túc, và được phân cho chiếc ghế Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an. Có lẽ, gia tộc ông Trần Đại Quang đã tính sai nước cờ, ông Trần Quốc Tỏ không đủ sức để cạnh tranh, khi ra khỏi “tổ kén” Bộ Công an. Khi ông Tỏ quay lại Bộ Công an vào năm 2021, thì thế lực Ninh Bình trong Bộ Công an đã không còn như xưa. Lúc này, Tô Lâm đã củng cố thế lực Hưng Yên tại đây.
Hiện nay, trong Bộ Công an có đến 4 tướng gốc Hưng Yên, đó là, Đại tướng – Bộ trưởng Tô Lâm; Thượng tướng – Thứ trưởng Lương Tam Quang; Thượng Tướng – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc; và Thiếu tướng Vũ Hồng Văn – em rể ông Tô Lâm.
Cạnh tranh chức Bộ trưởng Bộ Công an vào 2 năm tới, có ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc.
Ông Nguyễn Duy Ngọc gốc Hưng Yên nhưng trưởng thành từ Công an Hà Nội. Tại đây, ông Ngọc bị cái bóng của Nguyễn Đức Chung đè quá, không lớn nổi. Sau khi ông Nguyễn Đức Chung lên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội, thì ông Nguyễn Duy Ngọc lại càng khó có đất dụng võ.
Tháng 11/2016, ông Tô Lâm kéo đồng hương Hưng Yên của ông, là Đại tá Nguyễn Duy Ngọc về Bộ Công an, bổ nhiệm chức Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Đến năm 2017, ông Nguyễn Duy Ngọc được phong hàm Thiếu tướng.
Theo Luật Công an Nhân dân năm 2018, thời hạn xét thăng cấp bậc hàm của công an như sau: Hạ sĩ lên Trung sĩ, Trung sĩ lên Thượng sĩ: 01 năm; Thượng sĩ lên Thiếu úy, Thiếu úy lên Trung úy: 02 năm; Trung úy lên Thượng úy, Thượng úy lên Đại úy: 03 năm; Đại úy lên Thiếu tá, Thiếu tá lên Trung tá, Trung tá lên Thượng tá, Thượng tá lên Đại tá: 04 năm; Đại tá lên Thiếu tướng: 04 năm; Thời hạn thăng mỗi cấp bậc hàm cấp tướng tối thiểu là 04 năm.
Khi ông Ngọc còn ở Công an Hà Nội, thời gian ông lên lon là theo đúng luật. Năm 2012, ông được phong hàm Đại tá, mãi đến năm 2017, nghĩa là, gần 5 năm sau, ông mới được phong hàm Thiếu tướng. Suốt 4 năm ở Công an Hà Nội, ông không được lên lon, chỉ sau khi về Bộ Công an, ông mới được lên tướng.
Năm 2021, ông Nguyễn Duy Ngọc được thăng hàm Trung tướng, đúng thời gian tối thiểu theo luật định. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, ông Nguyễn Duy Ngọc lại được thăng hàm Thượng tướng, nghĩa là, chỉ sau 2 năm khi thăng Trung tướng, ông Ngọc tiếp tục được phong Thượng tướng. Trong khi đó, ông không hề có thành tích nào nổi trội. Việc đạp lên Luật Công an Nhân dân, đề cử Chủ tịch nước phong hàm Thượng tướng cho Nguyễn Duy Ngọc, cho thấy, ông Tô Lâm đang có ý chọn Nguyễn Duy Ngọc cho kế nhiệm ghế Bộ trưởng.
Để có được ghế Bộ trưởng Bộ Công an vào 2 năm tới, ông Trần Quốc Tỏ cần vượt qua được 2 đối thủ nặng ký, quê Hưng Yên, đặc biệt là ông Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc. Trên thực tế, ông Trần Quốc Tỏ đang là Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, là người có lợi thế nhất, khi chọn ứng cử viên cho ghế Bộ trưởng. Tuy nhiên, lợi thế đó rất mong manh, khi mà ông Tô Lâm vội vã cho thăng quân hàm một cách dồn dập cho ông Nguyễn Duy Ngọc. Không biết, trong 2 năm tới, ông Tô Lâm sẽ đẩy ai lên Đại tướng. Người được đẩy lên Đại tướng, xem như, người đó được chọn làm Bộ trưởng kế nhiệm.
Dù là Thứ trưởng Thường trực, là nhân vật thứ hai trong Bộ Công an, nhưng vai trò của ông Trần Quốc Tỏ khá mờ nhạt. Ông bị cái bóng quá lớn của Tô Lâm che lấp. Xem ra, chức Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Trần Quốc Tỏ, tuy gần mà lại rất xa tầm với.
Trà My – Thoibao.de