Người giàu Việt Nam đầu tư nhập tịch để ra đi

Vì sao người giàu Việt Nam đổ tiền đầu tư nhập tịch?

Ngày 1/3, BBC Tiếng Việt nêu vấn đề “Vì sao người giàu Việt Nam đổ tiền đầu tư nhập tịch?”

Bởi, theo Henley & Partners – một công ty chuyên về đầu tư di cư, khách hàng Việt Nam đứng thứ 4 toàn cầu về số lượng đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch.

BBC dẫn dự báo của Công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth (Nam Phi), rằng, Việt Nam sẽ là nước có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh nhất thế giới – 125% trong thập niên tới, theo sau là Ấn Độ.

Thuật ngữ “tăng trưởng tài sản” đề cập đến sự tăng hoặc giảm số lượng triệu phú trong một khoảng thời gian nhất định, tính theo tỷ lệ phần trăm.

BBC cũng dẫn báo cáo của tổ chức New World Wealth, tính tới tháng 12/2023, Việt Nam có 6 tỷ phú, có 19.400 người sở hữu tài sản trên 1 triệu USD và có 58 người có tài sản trên 100 triệu USD.

Theo đó, ông Andrew Amoils, Trưởng bộ phận phân tích từ New World Health, cho biết, trong vòng một thập kỷ, từ 2013 đến 2023, Việt Nam giữ vị trí quán quân với mức độ tăng trưởng tài sản là 98%, và dự kiến tăng nhanh hơn Trung Quốc trong một thập niên tới đây.

Tuy nhiên, ông Amoils lưu ý rằng, Việt Nam có khởi điểm “tài sản bình quân đầu người” ở mức thấp hơn Trung Quốc, nên tốc độ tăng trưởng tài sản dễ dàng hơn.

Nhưng cùng với mức tăng trưởng tài sản cao nhất, Việt Nam cũng được ghi nhận về lượng đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch “tăng đột biến”.

BBC cho biết, với xếp hạng khá thấp, người cầm hộ chiếu Việt Nam thường gặp khó khăn trong vấn đề xin visa ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh hoặc khối Schengen.

BBC dẫn lời ông Volek – Giám đốc kinh doanh của Henley & Partners, cho hay, hộ chiếu “yếu” cũng gây bất lợi lớn cho những người đi lại với mục đích làm ăn.

“Không những phải xin visa để nhập cảnh, đôi khi họ [doanh nhân Việt Nam] còn bị từ chối cấp visa vì những lý do hành chính ngớ ngẩn.”

“Do đó, họ chắc chắn quan tâm đến các chương trình di cư đầu tư, để tiếp cận các hộ chiếu quyền lực hơn,” ông Volek nói.

Theo BBC, để tham gia vào các dự án đầu tư định cư, người ứng tuyển phải chi số tiền từ khoảng 100.000 USD tới 400.000 USD (gần 2,5 đến 9,9 tỷ đồng).

Với các hồ sơ đầu tư định cư, chính phủ quốc gia nhận khoản đầu tư định cư sẽ thực hiện các bước thẩm định chuyên sâu. Những cá nhân được duyệt sẽ được cấp quốc tịch và hộ chiếu.

BBC cho hay, một lý do quan trọng khác mà người giàu Việt Nam tham gia những chương trình đầu tư quốc tịch này, đó là cơ hội giáo dục cho con cái. Trong đó, nổi bật là chương trình EB5 của Mỹ hoặc tham gia khởi nghiệp ở Canada.

BBC dẫn ý kiến của Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền, nhận định rằng, “nhiều quốc gia có chính sách cấp quốc tịch rất thoáng và sẽ dẫn đến những hành vi phạm tội, trục lợi”, như rửa tiền hoặc nguồn tiền từ tham nhũng…

Về vấn đề này, ông Volek đánh giá, quá trình kiểm tra nguồn tiền là khó khăn nhất:

“Chúng tôi muốn đảm bảo không có hoạt động rửa tiền nào được thực hiện. Số tiền được sử dụng phải là “tiền sạch”, thu được nhờ kinh doanh hợp pháp hoặc thừa kế.”

Quá trình thẩm định này được chính phủ các nước liên kết với nhiều cơ quan quốc tế, như Interpol (Cảnh sát hình sự quốc tế). Sau đó, người tham gia chương trình thường phải cung cấp giấy tờ có xác minh, đóng dấu từ phía cảnh sát.

Tuy nhiên, ông Volek cho biết, không phải quy trình thẩm định của công ty nào cũng nghiêm ngặt giống nhau. Vì thế, người trượt hồ sơ ở chỗ công ty ông có thể đến nơi khác nộp.

Ông cho biết thêm, quy trình xét duyệt người có quốc tịch Việt Nam vẫn bình thường như những quốc gia khác, không thuộc diện có rủi ro cao hay cần phải tăng cường thẩm định như với người Myanmar hoặc Syria.

 

Hoàng Anh – thoibao.de