Ca sĩ Tuấn Hưng tự cho mình là “siêu”, anh “vừa yêu Nước vừa yêu Tổ Quốc”!
Sau khi phim “Đào, phở và piano” làm dậy sóng mạng xã hội, ca sĩ Tuấn Hưng – người thủ vai Phán – một công tử Hà thành sành điệu, luôn xuất hiện bóng bẩy, đã viết trên Facebook cá nhân của anh rằng:
“Tự hào vì được đóng phim lịch sử đất nước mình.
Ưỡn ngực vì mang trong mình dòng máu Việt, hiên ngang và không bao giờ lùi bước.
Diễn hoặc hát hay hơn tôi thì đầy, nhưng Yêu Nước và Tổ Quốc như tôi thì…
các ông dơ tay lên xem được bao nhiêu nào?”
Từ “nước” trong câu nói “yêu nước”, có nghĩa là “đất nước”, còn từ “tổ quốc” là cách gọi khác của “đất nước” theo từ Hán Việt.
Có lẽ, ca sĩ Tuấn Hưng nghĩ rằng, đất nước và tổ quốc là khác nhau, nên anh mới viết như vậy.
Những ngày qua, báo chí nhà nước đã mở hết công suất để ca ngợi bộ phim “Đào, phở và piano”, và nó đã trở thành đề tài hot trên các trang truyền thông Nhà nước và các trang mạng xã hội ủng hộ Chính phủ. Đây là bộ phim do Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch đặt hàng trong năm 2022, với tổng kinh phí lấy từ ngân sách Nhà nước lên đến 65 tỷ đồng.
Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch hay bộ nào cũng thế, họ thường vẽ ra các dự án để rút tiền ngân sách (thực chất là tiền thuế của dân). Trong phần kinh phí được duyệt ấy, sau khi chi cho các nhà sản xuất, thì các quan nhà ta cũng kiếm chác không ít từ đó. Chính vì thế, những bộ phim mà do nhà nước đặt hàng thường rất kém chất lượng, chỉ chiếu trong buổi giới thiệu rồi xếp xó, chứ chẳng ai thèm xem vì nó quá dở.
Theo một số nhà phân tích đánh giá, nếu không có sự vận động của các trang mạng xã hội, thì bộ phim “Đào, phở và piano” có thể cũng sẽ bị “xếp xó”, như bao bộ phim làm từ vốn ngân sách khác.
Ca sĩ Tuấn Hưng là gương mặt không xa lạ gì với làng giải trí Việt Nam, anh là ca sĩ nổi tiếng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, bộ phim “Đào, phở và piano” nổi đình nổi đám không phải nhờ có anh góp mặt, mà nó nổi nhờ báo chí và mạng xã hội
Báo Dân Trí ngày 27/2 cho biết, “Tuấn Hưng đóng “Đào, phở và piano”: Tự thấy mình “siêu”, bao rạp mời họ hàng”. Không những bao họ hàng đến rạp xem, anh còn viết status tự khoe mình trên mạng xã hội.
Trong status khoe thành quả, ca sĩ Tuấn Hưng không những không hiểu ý nghĩa của các từ “đất nước” và “tổ quốc”, mà anh còn nhầm lẫn rằng, bộ phim hư cấu lấy bối cảnh thời kỳ đánh Pháp này, là một bộ phim lịch sử.
Một người dân Hà Nội trả lời phỏng vấn của đài nước ngoài, đã nói rằng: “Người ta không nói rõ. Khi xem phim thì người xem phải hiểu rằng, đây là một câu chuyện dựng lên thôi, nó không phải là một bộ phim kiểu mô tả lại lịch sử. Nó chỉ là một câu chuyện tiểu thuyết, không phải là một bài dựng lại lịch sử.”
Thật ra, đây là bộ phim hư cấu để tuyên truyền. Với những cựu thù như Mỹ và Pháp, khi chính quyền Cộng sản làm phim bôi xấu họ, họ không chấp, họ vẫn bắt tay với Hà Nội để hợp tác đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, với “đồng chí bạn vàng” phương Bắc, thì có lẽ, Hà Nội không bao giờ dám làm một bộ phim về cuộc chiến trong quá khứ.
Đấy là cái hèn của Đảng!
Diễn viên đóng phim chỉ là một cái nghề, chỉ thể hiện những gì mà kịch bản và đạo diễn yêu cầu họ thể hiện. Cho dù có đóng phim về lịch sử thật đi chăng nữa, thì không có gì đảm bảo rằng, diễn viên đóng vai yêu nước đó là một người yêu nước.
Dù anh có đóng vai người yêu nước thật đạt, thì điều đó chỉ có nghĩa là anh thành công trong vai diễn đó. Còn yêu nước lại thể hiện ở những khía cạnh khác. Đó là, anh có dám mạnh dạn đấu tranh chống lại cái xấu, để xã hội tốt hơn không? Anh có dám xuống đường yêu cầu nhà nước kiện quân cướp nước ra tòa án quốc tế hay không? Hay anh chỉ ngoan ngoãn vâng lệnh một tập đoàn chính trị nhu nhược với ngoại bang, rồi tự ngộ nhận là mình “yêu nước”?
Trà My – Thoibao.de