Ngày 12/12, VOA Tiếng Việt loan tin “Power Machines thắng kiện PetroVietnam”.
VOA dẫn người phát ngôn của tỷ phú Mordashov cho biết hôm 12/2 rằng, nhà sản xuất thiết bị điện của Nga, Power Machines, thuộc sở hữu của tỷ phú Alexey Mordashov, đã thắng kiện công ty dầu khí nhà nước PetroVietnam của Việt Nam.
Theo VOA, nhật báo RBC của Nga dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, khoản tiền thắng kiện 500 triệu USD cho Power Machines đang được thảo luận.
Vụ kiện của Power Machines, được nộp tại Singapore, nhằm đòi lại số tiền đã đầu tư xây dựng nhà máy điện ở Việt Nam, một dự án đã bị tạm dừng vào năm 2019, sau khi Power Machines bị Mỹ trừng phạt.
Người phát ngôn cho biết, Tập đoàn Nga đã thắng kiện vào tháng 11/2023.
Người phát ngôn cho biết thêm: “Power Machines hài lòng với quyết định của tòa án, tuy nhiên các điều khoản của quyết định này được giữ bí mật và không bên nào có thể tiết lộ trong giai đoạn này”.
VOA dẫn hồ sơ tòa án Nga cho thấy, Power Machines cũng đã đệ đơn kiện Petrovietnam và đại diện của họ tại Nga lên tòa án Moscow vào ngày 2/2. Không có chi tiết nào về vụ kiện đó được tiết lộ.
Theo báo Năng Lượng, Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200MW do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, và Power Machines là nhà thầu theo chỉ định. Địa điểm xây dựng nhà máy đặt ở xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Nhưng, nhà thầu đã không đáp ứng được yêu cầu, kéo theo việc chậm trễ tiến độ. Bên cạnh đó, nhà thầu Power Machines bị Chính phủ Mỹ cấm vận, dẫn đến trì trệ Dự án và Power Machines đã dừng tất cả các hoạt động kể từ ngày 15/3/2019.
Báo Năng Lượng cũng cho biết, hai bên đã tiến các cuộc đàm phán để giải quyết, nhưng đàm phán bế tắc. Điều này đã dẫn đến việc Power Machines kiện PetroVietnam ra tòa trọng tài quốc tế. Nội dung khiếu kiện gồm:
- Power Machines coi lệnh cấm vận của Mỹ là sự kiện bất khả kháng.
- Power Machines khiếu nại PetroVietnam không thực hiện thanh toán cho họ.
- Power Machines khiếu nại PetroVietnam không chấp thuận giá trị phát sinh kết cấu thép.
- Power Machines cho rằng, PetroVietnam không có cơ sở khi rút Bảo đảm thực hiện hợp đồng của họ.
Một số vấn đề đặt ra qua vụ kiện này là:
- Power Machines chưa có kinh nghiệm về quản lý, điều hành và thực hiện một dự án nhiệt điện nào, nhất là dự án lớn như Nhiệt điện Long Phú 1. Điều đó khiến doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian chọn nhà thầu phụ, rồi nhiều lần phân chia gói thầu khiến dự án chậm trễ tiến độ. Vậy, tại sao Power Machines được chọn? Và lại được chọn thông qua hình thức chỉ định thầu?
- Theo các điều khoản trong hợp đồng, có thể thấy, PetroVietnam sẽ gặp rủi ro, do thiếu quy định chi tiết phạm vi công việc và biểu giá, trong điều kiện thi công kéo dài, giãn tiến độ, phát sinh chi phí. Chưa kể, ngôn ngữ diễn giải trong hợp đồng rất chung chung, chưa đúng chuẩn mực của một hợp đồng quốc tế. Vì sao, một Tập đoàn lớn như PetroVietnam lại yếu kém đến vậy?
- Sự yếu kém của chủ đầu tư cũng thể hiện rõ, qua việc thiếu cập nhật tình hình cho cơ quan chủ quản là Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước. Thêm vào đó là các quy định chồng lấn của Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công, đã khiến Chính phủ không có những điều chỉnh và phê duyệt chưa kịp thời, làm chậm trễ dự án.
Có thể nói, vụ kiện này đã bộc lộ tất cả những nhược điểm của bộ máy quản lý nhà nước và các tập đoàn nhà nước. Đồng thời, vụ kiện cũng khiến PetroVietnam mất uy tín nặng nề, ảnh hưởng đến hợp tác dầu khí tại các mỏ dầu khí ngoài khơi.
Còn một vấn đề nữa không thể bỏ qua, đó là, tại sao Việt Nam lại triển khai một dự án nhiệt điện lớn như vậy? Trong khi, xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh đã có từ nhiều năm trước.
Quang Minh – thoibao.de
12.2.2024