Lâu nay, quan chức Việt Nam đã nhiều lần đề nghị, Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, với hy vọng nhận được sự hỗ trợ và ưu đãi. Nhưng Hoa Kỳ và các nước phương Tây dứt khoát không thừa nhận.
Mới nhất, ngày 23/1, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng, đã kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt việc gắn nhãn “nền kinh tế phi thị trường” đối với Hà Nội. Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cảnh báo: “việc duy trì các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam là điều không tốt cho mối quan hệ song phương đang ngày càng thân thiết hơn”.
Được biết, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, vào tháng 9/2023, thì đến tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công du Hoa Kỳ, đã kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, chấm dứt việc gắn nhãn “nền kinh tế phi thị trường”. Việt Nam đã được phía Mỹ hứa hẹn sẽ xem xét.
Theo quy định của luật pháp Mỹ, quá trình xem xét sẽ phải hoàn thành trong vòng 270 ngày, tức là, vào khoảng giữa tháng 7/2024, Việt Nam sẽ nhận được câu trả lời.
Việc Việt Nam bị Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây đưa vào danh sách “12 nền kinh tế phi thị trường”, trong đó có Nga, Trung Quốc, và một số quốc gia độc tài. Điều đó khiến Việt Nam liên tục gặp bất lợi trong các vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ, với lý do “có sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế”.
Vậy mà, không hiểu vì lý do gì, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam – ông Phạm Minh Chính – ngày 5/2 đã đưa ra tuyên bố, khẳng định vai trò quan trọng của các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Báo Tuổi Trẻ ngày 5/2 đưa tin, tại Hội nghị với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024, và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính Chính cho rằng, mặc dù 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, nhưng là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.
Theo giới quan sát, phát biểu của ông Chính dường như đã phớt lờ điều cấm kỵ của một nền kinh tế thị trường, theo tiêu chuẩn của Chính phủ Hoa Kỳ, đó là “sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế”.
Điều đó cũng giống như, tuyên bố của Chủ tịch nước ông Võ Văn Thưởng, nói với lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối năm 2023, cho rằng, “Việt – Trung cùng kiên trì đi lên Chủ nghĩa Xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”. Có nghĩa, ông Thưởng thừa nhận, Việt Nam cũng giống Trung Quốc, là quốc gia có nền kinh tế “phi thị trường”.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, trong một nền kinh tế thị trường, có một nguyên tắc quan trọng, đó là, doanh nghiệp nhà nước chỉ nên làm những gì tư nhân không thể, hay không muốn làm. Bởi lý do, doanh nghiệp nhà nước luôn có nhà nước đứng sau, nếu tham gia tất cả các lĩnh vực, khi sử dụng nguồn lực như: tài sản công, đất đai, hoặc vốn ngân sách, cộng với quyền lực của nhà nước, thì có thể bóp chết các doanh nghiệp tư nhân.
Hơn thế nữa, các doanh nghiệp nhà nước hiện nay không chịu sự chi phối của nguyên tắc thị trường – “lời ăn, lỗ chịu”. Họ không bao giờ phá sản, do đã có nhà nước bảo hộ, và sẵn sàng ra tay giải cứu.
Thực tế ở Việt Nam đã cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều kinh doanh lỗ lã triền miên, không xứng với số vốn và tài sản nhà nước bỏ cho nó. Việc truyền thông nhà nước ca ngợi, 19 tập đoàn, tổng công ty, mang về lợi nhuận 53 ngàn tỷ trong năm 2023, nhưng chủ yếu, lợi nhuận có được là từ việc khai thác dầu khí.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà nước Việt Nam muốn đồng hành, muốn dựa vào thị trường, nguồn vốn và công nghệ từ Hoa Kỳ, để phát triển kinh tế trên nền tảng công nghệ cao. Điều này bắt buộc Việt Nam phải thể chế hóa nền kinh tế, để trở thành một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, theo đúng các tiêu chí của Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Xin nhắc lại, 3 trụ cột của một quốc gia phát triển trên thế giới hiện nay là: Nhà nước pháp quyền; kinh tế thị trường; và hệ thống các tổ chức xã hội dân sự rộng khắp, để giám sát nhà nước doanh nghiệp.
Với thể chế kinh tế thị trường kèm theo cái đuôi định hướng Xã hội Chủ nghĩa như ở Việt Nam, là một thứ “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”, chẳng giống ai. Trong khi, chính sách luật pháp lại tùy tiện, thì sẽ chẳng bao giờ có thể tới đích: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh./.
Trà My – Thoibao.de
6.2.2024