Vin và Đảng, tuy hai mà một, tuy một mà hai!

Ngày 3/2, Tuyên giáo cho báo Đảng thi nhau bốc thơm cho Đảng. Tờ VietNamNet giật tít “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, Đảng ta thật vĩ đại”. Tờ báo Nhân Dân thì mượn lời nói của một ông Cuba nào đấy, đặt tựa bài viết “Chuyên gia Cuba: Uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam nằm ở tinh thần phê và tự phê” vv…

Thường thì những gì mà Đảng Cộng sản không thực hiện được, hoặc không chịu thực hiện, thì họ hô hào khẩu hiệu rất mạnh. Khi Đảng tự ca tụng mình là “đạo đức, là văn minh, là vĩ đại” thì sự thật ngược lại, Đảng vừa vô đạo đức, vừa mọi rợ. Khi Đảng tự ca tụng là Đảng có uy tín, thì thật ra, Đảng chẳng có chút uy tín nào trước dân. Hiện Đảng chỉ dùng sự cai trị hà khắc, làm cho dân sợ, chứ chẳng làm cho dân mến.

Đảng cai trị được dân nhờ có công an và tuyên giáo. Tuyên giáo chuyên tuyên truyền dối trá cho dân, dân nào tin thì được yên, dân nào không tin thì đến lượt công an ra tay trừng trị. Và chính sách này, cho đến nay vẫn rất hiệu quả sau 79 năm, và Đảng tiếp tục cai trị dân Việt theo cách như vậy.

Tương tự, sự tồn tại của VinGroup cũng dựa vào công an và báo chí tuyên truyền. Chuyện người dân đưa tin bất lợi cho Vin nói chung và VinFast nói riêng, bị công an “mời” lên làm việc, là chuyện không hiếm. Rồi chuyện báo chí tung hô, bốc thơm cho Vin cũng là chuyện phổ biến.

Mới đây, tờ báo CafeF có bài “Thành công của VinFast dẫn lối cho doanh nghiệp Việt chinh phục quốc tế”. Thật mỉa mai, bởi VinFast còn chưa đứng vững trên thị trường Mỹ, mà báo chí lại tung hô là “thành công”(!?) Đây chính xác là bài viết tuyên truyền, chứ hoàn toàn không đúng với thực tế.

Việc VinFast lên được sàn Nasdaq không thể gọi là “thành công”, vì cho tới nay, giá cổ phiếu VFS của VinFast vẫn ngụp lặn dưới 1/3 giá trị phát hành, và số lượng cổ phiếu bán ra công chúng cũng chưa được bao nhiêu.

Một doanh nghiệp được gọi là thành công trên thị trường Mỹ, thì ít nhất, doanh nghiệp đó phải thành công trên thị trường vốn, thứ nhì là thành công trên thị trường hàng hóa. Nếu chỉ gọi được vốn thì cũng chưa chắc đã thành công, bởi còn phải chờ xem hàng hoá sản xuất ra, người Mỹ có chấp nhận hay không?

Một khi xe VinFast bị thị trường Mỹ chê, thì cổ phiếu trước sau gì cũng lao dốc. Về lâu về dài, tình hình kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến giá trị của cổ phiếu.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt cũng muốn theo bước chân của VinFast tiến vào thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, họ đang quan sát xem VinFast “vật lộn” với khó khăn như thế nào? Nếu thành công, họ sẽ tiếp bước, nếu thất bại, họ sẽ rút êm.

Để biết VinFast có thành công hay không, cần phải qua quá trình nhiều năm. Hơn nữa, hiện nay VinFast còn chưa hoà vốn, thì thành công vẫn còn là cái mốc xa vời.

Hiện nay, Vinhomes vẫn là trụ cột của VinGroup. Vinhomes kiếm tiền còn VinFast đốt tiền. Việc nhảy vào lĩnh vực công nghệ là một bước đi “liều lĩnh” chứ không phải là “táo bạo”. Giữa người liều lĩnh và người táo bạo, nhìn bên ngoài thì đều có hành động tương tự nhau, nhưng khác nhau ở nội lực và khả năng tiên liệu. Cho tới nay, ông Phạm Nhật Vượng vẫn chưa chứng tỏ được, ông đã tiên liệu đúng cho hướng đi của VinFast. VinFast đã tốn quá nhiều công sức để vào Mỹ, sau khi cả bán xe và huy động vốn đều không thành công, thì mới quay sang thị trường châu Á và khu vực, là bước đi quá muộn màng.

Nội lực VinFast có hạn, cả về vốn liếng, kỹ thuật và kinh nghiệm, nhưng ông Vượng lại quá phung phí. Con đường thất bại đang chờ VinFast trong tương lai gần.

Vin và Đảng đang sử dụng những chiến thuật giống nhau, đấy là dùng tuyên giáo và công an để kéo người dân về phía họ. Tuy nhiên, Đảng thì đang sống trên đất nước chữ S và sử dụng quyền lực chính trị áp đặt, còn Vin thì đã bước chân ra sân chơi toàn cầu và Vin khó mà áp đặt, ép buộc khách hàng mua sản phẩm của mình cho dù với thị trường trong nước.

Ra biển lớn, Vin cần phải theo luật chơi của sân chơi lớn, còn vẫn giữ bản chất của Đảng, thì trước sau gì cũng thất bại. Bởi thứ “thành công” từ báo chí nô bộc chẳng có ý nghĩa gì, nó không đem lại thành quả cho việc kinh doanh của Vin.

Ý Nhi – Thoibao.de

4.2.2024