Năm 2023, Việt Nam vẫn duy trì trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới, với con số ước lượng khoảng 20 tỷ USD. Đặc biệt, lượng kiều hối về thành phố Hồ Chí Minh ước đạt gần 9 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2022. Đây là mức tăng đột biến, so với tốc độ tăng của những năm.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam xuất siêu 24,4 tỷ USD, tính trong 11 tháng đầu năm 2023, tăng hơn 10 tỷ USD so với năm 2022. Tuy nhiên, về bản chất, lượng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu này, là do khối FDI mang về, chứ không phải khối nội (gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân). Riêng khối nội đã làm chảy máu ngoại tệ của nền kinh tế, với một con số tương đương lượng kiều hối gửi về Việt Nam.
Để nền kinh tế phát triển bền vững, thì doanh nghiệp trong nước mới là trụ cột, chứ không phải là doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp từ nước ngoài, đầu tư vào Việt Nam, nên họ chỉ tìm kiếm các lợi thế mang lại lợi nhuận. Một khi các lợi thế này mất đi, thì doanh nghiệp FDI sẽ rời đi. Hơn nữa, ngay khi lợi thế vẫn còn, thì lợi nhuận có được sẽ bị doanh nghiệp FDI đem về nước của họ.
Khi doanh nghiệp FDI rời đi, nếu doanh nghiệp nội không đủ sức để gánh vác nền kinh tế, thì Việt Nam sẽ bị kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình thấp, không cách nào vượt qua, thậm chí có thể rơi vào khủng hoảng. Bài học này đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.
Năm 2023, con số thống kê cho thấy, khối FDI lại chiếm tỷ trọng lên đến 74% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trước đó, năm 2022, khối này bất ngờ chiếm giữ 74% tổng kim ngạch xuất khẩu (trước đó là 70%), và giữ tỷ lệ này đến năm 2023.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp nội bị tổn thương sau dịch vẫn chưa thể hồi phục, và không loại trừ họ sẽ không thể lấy lại tỷ lệ 30% tổng kim ngạch xuất khẩu như trước.
Hai năm sau dịch mà doanh nghiệp vẫn khốn đốn, người dân vẫn khó khăn, điều đó cho thấy, chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ Phạm Minh Chính không hiệu quả. Các doanh nghiệp và người dân khó có hy vọng gì trong năm 2024 này. Không chỉ chính sách, mà cả bộ máy chính quyền cũng không hiệu quả, đấy mới là vấn đề.
Tất cả các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp nhà nước… thanh tra ở đâu là lòi ra sai phạm ở đấy. Một chính quyền mà quan lớn quan bé đều tham nhũng, thì làm sao họ thực hiện được chính sách tốt, để lo cho dân cho nước?
Trong tình hình kinh tế khó khăn như thế, lượng kiều hối khổng lồ đổ về, như là một cứu cánh cho chính quyền Cộng sản Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cần có lượng ngoại tệ lớn để dự trữ, để điều tiết nền kinh tế. Con số tăng trưởng kinh tế 5% không nói lên gì nhiều, bởi FDI đóng góp phần lớn trong số đó. Cho nên, kiều hối đã trở nên quan trọng.
Kiều hối do kiều bào sinh sống ở nước ngoài gửi về đang ngày một ít dần. Do các thế hệ thứ hai, thứ ba, được sinh ra ở nước ngoài, tiếp thu nền văn hoá nước ngoài, họ không còn xem Việt Nam là tổ quốc nữa, cũng như không còn người thân ở Việt Nam.
Vì vậy, Đảng phải đẩy người Việt đi lao động nước ngoài. Lực lượng này sẽ cần mẫn gửi tiền về đều đặn, bù vào khoản kiều hối do người nước ngoài gốc Việt gửi về đang giảm dần.
Được biết, năm 2023, Việt Nam có gần 160 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2024, chính quyền Cộng sản đặt mục tiêu là đưa 125 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Được biết, chi phí để đưa người Việt đi lao động nước ngoài đắt gấp đôi, hoặc gấp nhiều lần, so với chi phí của người dân các nước khác như Indonesia nay Malaysia. Đây là nguồn lợi rất lớn của các công ty tổ chức đưa người đi xuất khẩu lao động. Mà những công ty này chính là sân sau của các quan chức.
Như vậy, đẩy dân ra nước ngoài làm culi, mục đích là để Đảng có đô la, và cũng là để các doanh nghiệp sân sau của các quan chức kiếm chác từ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của những người lao động.
Ý Nhi – Thoibao.de
13.1.2024