Ngày 9/1, BBC Tiếng Việt có bài “Đại án Việt Á: Vì sao quan chức được làm mờ mặt trên báo chí nhưng người dân thì không?”
Theo đó, trong các video của các kênh truyền hình nhà nước, khuôn mặt của cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh, luôn được làm mờ. Trong khi, khuôn mặt cựu Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt có video làm mờ, có video để rõ.
BBC cho biết, điều này đã gây phản ứng mạnh trong dư luận, nhiều người cho rằng, đây là sự bất công, khi che mặt quan chức ở tòa án, trong khi, người dân chỉ mới bị bắt, chưa bị buộc tội, đều bị công an đưa hình rộng rãi lên lên báo chí.
BBC dẫn một nguồn tin riêng cho biết, tại một đài truyền hình ở Việt Nam, dường như đã có những hạn chế về tần suất đưa tin về các phiên xử đại án Việt Á.
BBC dẫn lời một luật sư ở Việt Nam giấu tên giải thích:
“Khoản 1, Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 của Việt Nam, quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý…”
BBC cũng dẫn một luật sư khác, cho rằng, đã có sự “phân biệt đối xử”, nếu so với các đại án trước đó như “chuyến bay giải cứu”, khi hình ảnh của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng không có tờ báo, hay khăn nào để che chiếc còng số 8, và hình ảnh của ông cũng không được các kênh truyền thông làm mờ.
Vị luật sư nói:
“Thế nhưng, trong vụ Việt Á thì lại che mặt các cựu bộ trưởng, việc này thì bất công cho tất cả mọi người. Như Phan Quốc Việt, khi chưa ra tòa cũng bị công an cung cấp hình ảnh cho báo chí.”
“Riêng quan điểm của tôi thì nếu chụp hình cả phiên tòa, không rõ nét từng người, thì đưa lên truyền thông không gặp vấn đề gì. Nhưng nếu chụp ảnh rõ mặt bị cáo, rồi đưa lên báo chí mà không có sự đồng ý của bị cáo là không phù hợp pháp luật.”
BBC dẫn tiếp ý kiến của một nhà báo nói rằng, chưa thấy có vụ nào che mặt quan chức như cách báo Nhân Dân làm đối với hai cựu bộ trưởng là Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh.
“Tôi nghĩ, đây là chủ đích của vị Tổng Biên tập báo Nhân Dân… Tôi đoán rằng, việc này thiên về ý chí của báo Nhân Dân, chứ không phải là có chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo… có thể đây là mối quan hệ cá nhân của riêng tờ báo đối với hai ông cựu bộ trưởng”
BBC cho hay, việc đăng hình ảnh bị can, bị cáo trên truyền thông đã gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua, nhưng đến nay chưa có giải pháp rõ ràng, và chưa có hồi kết.
Mặc dù pháp luật ghi nhận và bảo về quyền hình ảnh của cá nhân, nhưng có hai trường hợp được sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó, hoặc người đại diện theo pháp luật, gồm: Sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng và sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng: Hội nghị, hội thảo, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật… mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Vậy, BBC nêu vấn đề, nếu các cơ quan báo chí viện dẫn việc đăng hình ảnh bị can bị khởi tố, với lý do “vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng”, thì có được xem là hợp pháp hay không?
BBC cũng cho biết, tham khảo một số nước, thì tòa án của Mỹ không cho phép “phát sóng, truyền hình, thu âm, hoặc chụp ảnh trong phòng xử án”, từ năm 1972 cho đến nay. Thế nên, báo chí Mỹ khi đưa tin bên trong phòng xét xử thường dùng hình vẽ.
BBC dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Đức từ Việt Nam, từng viết năm 2022, rằng:
“Cả pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế đều bảo hộ quyền hình ảnh của cá nhân. Vì vậy, theo tôi, báo chí Việt Nam cũng cần áp dụng theo thông lệ báo chí quốc tế là không nên đăng hình ảnh của người bị buộc tội.”
Hoàng Anh – thoibao.de
9.1.2024