Đại Án Việt Á: Sự cao tay của ông Tổng trong việc bịt đầu mối “trùm cuối là ai’?

Ngày 3/1/2023, Toà án Nhân dân Hà Nội bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm 38 bị cáo, trong vụ án tham nhũng liên quan đến Công ty Việt Á.

Đây là một đại án thuộc diện được Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo dõi và chỉ đạo.

Điều mà dư luận xã hội và đông đảo người dân quan tâm nhất, đó là câu hỏi “Ai là trùm cuối trong vụ án này?”, cũng như “Những ai đang sở hữu 80% cổ phần còn lại của Công ty Việt Á?”

Ngày 17/12/2021, C03 – Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương” .

Lịch sử hình thành và phát triển của Công ty Việt Á, trên trang Wikipedia, có nêu:

“Công ty được thành lập vào năm 2007, với số vốn ban đầu là 80 triệu đồng từ 3 thành viên. Ông Phan Quốc Việt (sinh năm 1980) là người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. Cuối năm 2017, Việt Á Corp tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng, mặc dù trước năm 2017, Công ty này chỉ thu nhập vài chục tỉ đồng và thường báo lỗ. Trải qua 6 lần tăng vốn điều lệ, tỉ lệ góp vốn của 3 cổ đông sáng lập vào Công ty Việt Á không biến động, vẫn nắm giữ khoảng 20%.”.

Đáng chú ý, Wikipedia cho biết, “Cho đến nay (tháng 5/2023), sau hơn 1 năm rưỡi điều tra, người dân vẫn chưa được biết ai là cổ đông của 80% cổ phần còn lại (ước khoảng 800 tỷ đồng).”

Vậy mà, trong ngày thứ 3 xét xử vụ án Công ty Việt Á, ngày 5/1/2024, VietNamNet online đưa tin, “Phan Quốc Việt và rắc rối quanh khối tài sản kếch xù”.

Bản tin cho biết về một sự bất ngờ liên quan đến sở hữu cổ phần của Công ty Việt Á, với những thông tin hoàn toàn khác những thông tin từ trước đến nay, do truyền thông nhà nước và Bộ Công An cung cấp. Cụ thể, theo VietNamNet:

“Tại phiên tòa, Hội đồng Xét xử dành thời gian thẩm vấn bị cáo Phan Quốc Việt và các bên liên quan đến khu đất mà Cơ quan Điều tra đã kê biên của Chủ tịch Việt Á.

Theo cáo trạng, Công ty Việt Á có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông sở hữu vốn điều lệ. Trong đó, Phan Quốc Việt sở hữu 47,25%, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Việt) sở hữu 24%.”

Vào cuối năm 2022, Quốc hội Việt Nam khóa 15, đã đã tiến hành bãi nhiệm đối với 2 Phó Thủ tướng trong nội các của ông Phạm Minh Chính. Đó là Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Ông Phạm Bình Minh, trong giai đoạn đại dịch Covid.19, còn kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là người đứng đầu cơ quan tổ chức các “chuyến bay giải cứu”. Trong khi, ông Vũ Đức Đam thời điểm đó là Phó Thủ tướng, phụ trách xử lý công tác ứng phó với đại dịch Covid-19.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), trong bản tin ngày 3/1/2023 cho biết:

“Cuộc thanh trừng, do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, cũng đã hạ bệ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người “chịu trách nhiệm chính trị” về những thiếu sót của nhiều quan chức, AFP dẫn một tuyên bố của Uỷ ban Trung ương Đảng vào thời điểm đó cho biết.”

Trong buổi lễ bàn giao chức Chủ tịch nước cho quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, trước khi rời nhiệm sở, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã từng có phát biểu:

“Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng.”

Vẫn theo VOA, “Lời thanh minh của ông Phúc được nhiều người trích dẫn và bình luận, giữa bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng, vợ và gia đình ông có dính líu đến vụ án Việt Á, nên sự nghiệp chính trị của ông phải chấm dứt.”

Tuy nhiên, phát ngôn kể trên của ông Nguyễn Xuân Phúc ngay lập tức bị báo chí thuộc truyền thông nhà nước Việt Nam gỡ bỏ. Về lý do khiến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm, theo thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho biết, ông Nguyễn Xuân Phúc phải “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu Chính phủ, nhiệm kỳ 2016 – 2021, khi đã để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng, có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”.

Xin được nhắc lại, báo Tuổi Trẻ ngày 23/8/2023 đã đưa tin “Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao”.

Báo Tuổi Trẻ cho biết, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, đã tham dự đêm diễn và cùng ông Văn Thao – con trai nhạc sĩ Văn Cao – tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ sau đêm diễn.

Khi đó, dư luận thấy rằng, không lẽ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành sự ưu ái cho một kẻ tội phạm, là “trùm cuối” trong đại án Việt Á?

“Trùm cuối” – trong tiếng Việt, có nghĩa là ông trùm –  kẻ có quyền lực lớn nhất, đứng đằng sau, chỉ đạo hoạt động của một băng đảng. Theo cách lý giải của cáo trạng vụ án Việt Á của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cho thấy, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam quyết tâm bưng bít cho đồng đảng cho đến cùng.

Do vậy, trả lời câu hỏi “trùm cuối của đại án Việt Á là ai?” sẽ là điều vô vọng./.

Trà My – Thoibao.de

5.1.2024