Sáng ngày 3/1/2023, Toà án Nhân dân Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án Việt Á. Đây là vụ án đầu tiên xét xử cùng lúc ba lãnh đạo cấp cao, là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, và cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Ngoài ra, còn 35 bị can khác có mặt để hầu tòa.
Điều được giới quan sát trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm, đó là sự thành khẩn nhận tội của các quan chức, vốn được mô tả là vừa đạo mạo, vừa “hét ra lửa” trong quá khứ.
Một hãng tin quốc tế mô tả, “Vụ bắt tay thao túng giá giữa các quan chức và doanh nhân này, ước tính đã thu về khoảng 172 triệu USD cho Việt Á, trong đó, 34 triệu USD được cho là đã đổ thẳng vào túi các quan chức.”
Xuất hiện tại tòa, theo mô tả của truyền thông nhà nước, ông Nguyễn Thanh Long với mái “tóc bạc trắng, đôi mắt thâm quầng”, và ông nhiều lần nói “Tôi sai, tôi xin lỗi”, vì đã nhận hối lộ.
Tại tòa, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khai, đã nhận 2,25 triệu USD từ ông Phan Quốc Việt – Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. Trong đó, 2,2 triệu USD nhận thông qua cựu Thư ký Nguyễn Huỳnh, và 50.000 USD nhận trực tiếp từ ông Việt. Nhưng ông Long phủ nhận việc gợi ý, đòi hỏi Phan Quốc Việt đưa tiền, như lời khai của cựu Thư ký riêng, ông Nguyễn Huỳnh.
Còn ông Chu Ngọc Anh bị truy tố về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tại tòa, ông Chu Ngọc Anh nói rằng, ông “rất đau xót” khi không có cơ hội gặp lại ông Phan Quốc Việt, để trả lại khoản tiền 200.000 USD đã nhận.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt, và Phó Tổng giám đốc Vũ Đình Hiệp, đều bị truy tố về hai tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo cáo trạng, ông Phan Quốc Việt bị cáo buộc đã bỏ ra hơn 106 tỉ đồng để hối lộ các quan chức.
Ông Nguyễn Thanh Long bị cho là người nhận hối lộ nhiều nhất, với số tiền 2,25 triệu USD, tương đương hơn 51 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Thanh Long có vai trò “trực tiếp can thiệp và chỉ đạo cấp dưới tác động, để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá, phân bổ và thanh toán tiền kit test”. Ngoài ra, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc đứng ra giới thiệu Việt Á với lãnh đạo một số địa phương, để giúp Công ty này tiêu thụ kit test.
Theo cáo trạng, Tổng Giám đốc Việt Á cũng chi hàng chục tỉ đồng để “cảm ơn” một số quan chức, vì đã đưa ra quyết định trái pháp luật, có lợi cho Việt Á. Trong đó đáng chú ý, cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD, tương đương hơn 4,6 tỉ đồng.
Vẫn theo cáo trạng, ông Chu Ngọc Anh là người ký quyết định phê duyệt đề tài nghiên cứu, có sự tham gia của Việt Á; đồng ý để Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức họp báo, nhằm hỗ trợ quảng bá cho kit test Việt Á; ký quyết định khen thưởng, và ký tờ trình đề nghị Thủ tướng khen thưởng Công ty Việt Á…
Theo giới quan sát, đáng chú ý, cụm từ “cảm ơn” đã được sử dụng nhiều lần trong cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, để thay thế cho cụm từ “hối lộ” một cách có chủ ý, nhằm che đậy hành vi hối lộ, nhận hối lộ của các bị cáo.
Nhưng dường như, bị cáo Chu Ngọc Anh, theo cáo trạng là người đã nhận 200.000 USD của Phan Quốc Việt, có lẽ, do không hiểu ý của Viện Kiểm sát, nên vẫn “áy náy” về việc này.
Xin nhắc lại, ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, đã bị Bộ Công an khởi tố bị can và khám xét nơi ở, với lý do đã nhận 200.000 USD từ tay Phan Quốc Việt, ngay tại phòng làm việc của mình.
Vậy mà, Bộ Công an của ông Tô Lâm, lấy lý do, khi nhận 200 ngàn USD, Chu Ngọc Anh đã nói “tớ cảm ơn”, nên số tiền đó chỉ bị coi là quà biếu, chứ không phải là tiền đưa – nhận hối lộ.
Rõ ràng, thái độ “ăn năn” bất ngờ của ông Chu Ngọc Anh tại tòa, trong ngày xét xử đầu tiên, đã bác bỏ lời chạy tội thuê của Bộ Công an.
Công luận đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm, rằng, nhận “quà biếu” thì vì sao Chu Ngọc Anh lại phải ăn năn? Trong khi, ông Chu Ngọc Anh thừa thông minh để hiểu rằng, nếu ông thoát tội nhận hối lộ, với số tiền khoảng 5 tỷ đồng, thì cũng sẽ thoát bản án với mức án từ 20 năm đến tử hình.
Sự cố này có lẽ là điều “xui xẻo” cho Bộ trưởng Tô Lâm, ngay trong ngày xét xử đầu tiên, và có thể, sẽ còn nhiều điều “xui xẻo” nữa sẽ xảy ra.
Nhưng nếu nhìn vào vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hoàng Văn Hưng – cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, thuộc Bộ Công an, trong vai trò điều tra viên chính giai đoạn đầu, đã tham gia chạy án. Thì chẳng cần nghi ngờ chủ trương chạy án của Bộ Công an trong các vụ án tham nhũng nói chung, và đại án Việt Á nói riêng.
Hãy chờ xem, “cái kim trong bọc” rồi cũng sẽ lòi ra. Biết đâu, cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh lại được Hội đồng Xét xử đề nghị giảm án, tương tự như trường hợp cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, vì có công buộc bị cáo Hoàng Văn Hưng cuối cùng phải nhận tội, và đã nộp lại số tiền hơn 18 tỷ đồng.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong lúc này, không giật mình “thon thót” mới là điều lạ./.
Trà My – Thoibao.de
4.1.2024