Liệu “bác” Trọng có tự trọng?

Người có lòng tự trọng là người biết dẹp bỏ sự háo danh, ham muốn tầm thường, sẵn sàng chấp nhận chơi chung luật chơi với những người có địa vị thấp hơn mình.

Tôn trọng cái chung, tôn trọng người khác, thì đấy là cách tôn trọng chính mình. Một người lớn mà tranh giành với người già, tranh giành với trẻ con, là không biết tự trọng. Quan chức mà tham quyền cố vị, phớt lờ dư luận, để ngồi lại ghế bất chấp luật đã quy định, cũng là một loại người thiếu tự trọng. Họ không biết tuân thủ luật chơi chung.

Ở Việt Nam, ông Trọng được bơm thổi lên mây, nào là “sĩ phu Bắc Hà”, nào là “người đốt lò vĩ đại” vv… nói chung, ông Trọng được bơm thổi như thánh. Tuy nhiên, bản thân ông thì dường như không biết tự trọng, khi mà ông vẫn cứ lì lợm bám ghế, mặc dù ông đã quá tuổi, quá số nhiệm kỳ và không đảm bảo sức khỏe.

Hiện nay, cả Bộ Chính trị không biết, liệu ông Nguyễn Phú Trọng có rút lui sau 3 nhiệm kỳ hay không? Hay là ông vẫn cố bám ghế, cho dù có nằm một chỗ như “Lê Ngọa Triều”?

Đến nay, sức khỏe của ông Trọng đã quá yếu. Ông bước đi không vững, phải có vệ sĩ luôn kè một bên, sẵn sàng xốc nách ông dìu đi, nếu ông có dấu hiệu đi đứng không vững. Ở tuổi 80 của ông và sức khỏe yếu như thế, thì ông lãnh đạo đất nước như thế nào? Hay ông chỉ chú tâm đốt lò, còn hậu quả ra sao thì ông chẳng cần quan tâm?

Việc ông Trọng dùng quyền lực trong tay để tự ban đặc ân cho chính mình, để tiếp tục nắm quyền lực lâu dài, đã phá vỡ mọi nguyên tắc của Đảng, và tạo ra một tiền lệ xấu về sau. Nếu ông Trọng làm được, thì những Tổng Bí thư sau ông cũng làm được. Đảng Cộng sản về sau sẽ trở thành công cụ cho tham vọng của người đứng đầu, trở lại như thời kỳ đầu sau khi Đảng cướp được chính quyền.

Người dân sẽ phải khốn khổ nối tiếp khốn khổ, mà không biết bao giờ mới thoát ra được.

Thông thường, để phá vỡ Đảng luật và nắm quyền cho đến chết, thì tất nhiên, người đứng đầu Đảng bao giờ cũng có những cuộc thanh trừng để thanh lọc phe phái. Vì nếu không thanh lọc, thì sẽ không có đủ người ủng hộ ông ta ngồi lại ghế. Và tất nhiên, chiến dịch thanh lọc phải được thực hiện bọc dưới vỏ bọc “chống tham nhũng”. Bởi quan chức Cộng sản, ai cũng tham nhũng, cho nên, chọn chiêu bài này để che đậy sẽ là kế sách hoàn hảo.

Việc thanh trừng phe phái dẫn tới kết quả là các phe mải lo đấu nhau và chống đỡ nhau, còn việc hoạch định chính sách chỉ qua loa đối phó. Thực tế, việc thanh trừng nội bộ khiến nền kinh tế Việt Nam vốn đã nát, lại càng nát hơn. Từ khi chiến dịch đốt lò của ông Trọng nổi lên, thì nền kinh tế Việt Nam ngày càng nát hơn, đó là thực tế mà ai cũng có thể nhìn thấy được. Tội phạm kinh tế ngày một kinh khủng hơn, vụ án sau có quy mô hơn vụ án trước, và tính chất cũng nghiêm trọng hơn vụ án trước.

Việc đánh nhau như thế, thì mức độ phân cực trong Đảng cũng ngày một rõ rệt, phe thắng thế ngày một mạnh lên. Mà một khi thế lực của họ càng mạnh, thì họ càng lộng quyền, bởi không còn ai có thể làm gì được họ.

Ông Nguyễn Phú Trọng đang đưa Việt Nam ngày một phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, không những phụ thuộc về kinh tế, mà còn phụ thuộc cả về chính trị. Dưới thời ông Trọng, ông đã ký kết với Tập những kế hoạch đào tạo nhân sự cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Trọng làm việc đó dễ dàng, bởi ông tin rằng, trong Đảng Cộng sản không còn ai đủ sức cản đường ông.

Người không có lòng tự trọng thì khó mà dẫn dắt đất nước trở nên độc lập hơn đối với ông láng giềng phương Bắc. Và thực tế, dưới thời ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đã chuyển hướng cho Đảng Cộng sản Việt Nam tiến lại gần Bắc Kinh hơn, theo cách của ông. Đến con người của Đảng mà ông còn nhờ bạn vàng trồng cho, thì không biết, trong người ông Trọng có lòng tự tôn đối cho Đảng ông hay không chứ đừng nói đến lòng tự tôn dân tộc.

Ý Nhi – Thoibao.de