Kết luận Điều tra của C03 Bộ Công an cho biết, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước – bà Đỗ Thị Nhàn – đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn, lên đến 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng). Đổi lại, bà bao che, bưng bít cho các sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Số tiền mặt 5,2 triệu USD, sau khi nhận hối lộ từ Ngân hàng SCB, bà Đỗ Thị Nhàn đã gửi cho họ hàng cất giữ, và mua đất đai, bất động sản nhờ người khác đứng tên…
Dư luận xã hội cho rằng, điều đó cho thấy, cơ chế giám sát của hệ thống quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng hết sức yếu kém, có nhiều lỗ hổng nghiêm trọng.
Nhật báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng – South China Morning Post – ngày 3/12 ngạc nhiên về việc, nhân viên Ngân hàng SCB theo lệnh của bà Trương Mỹ Lan, chở số tiền mặt 5,2 triệu USD đến nhà bà Đỗ Thị Nhàn, bằng cách đựng trong các thùng xốp dùng để bảo quản thực phẩm tươi sống. Trong khi, ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, cũng phải sử dụng xe chuyên dụng khi cần chuyển một lượng tiền mặt lớn.
Đây cũng là một trong những lý do khiến cho sự dịch chuyển của dòng tiền lớn trong vụ án Vạn Thịnh Phát không bị giám sát. Điều này cũng giúp cho những kẻ nhận hối lộ xóa dấu vết tài sản tham nhũng dễ dàng, và không bị phát hiện trong một thời gian dài.
Bản tin của VnExpress ngày 8/12 với tiêu đề, “Đại án Vạn Thịnh Phát “phơi bày yếu kém trong kiểm soát tài sản cán bộ”’, cho biết, tại Hội thảo đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam, sáng 8/12, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng Thanh tra Chính phủ, đã phát biểu cho rằng, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức “chưa đạt được tiến bộ đáng kể”.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, đại án Vạn Thịnh Phát đã phơi bày những yếu kém trong việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, trong đó có cả lĩnh vực quan trọng.
VnExpress cũng cho biết, “từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, cơ quan chức năng xác minh 13.000 người, và phát hiện 2.600 trường hợp vi phạm. Sai sót chủ yếu về kê khai sai mẫu, chưa theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định. Chỉ có 54 người kê khai không trung thực bị kỷ luật.”
Với thông tin kể trên của VnExpress, công luận đánh giá và khẳng định, con số 54/13.000 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực của Chính phủ, là con số không đáng tin cậy.
Điều đó hoàn toàn phù hợp với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga. Bà Nga đã báo cáo với Quốc hội: “qua giám sát dư luận, cử tri, cho thấy tình trạng vi phạm kê khai tài sản, thu nhập diễn ra còn nhiều. Ủy ban Tư pháp cho rằng, con số này chưa tương xứng thực tế. Việc kiểm soát tài sản, thu nhập còn hạn chế.”
Luật Phòng chống Tham nhũng năm 2018 của Việt Nam quy định rõ, tất cả cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Nếu bị phát hiện kê khai không trung thực, có thể bị cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
Trên thực thế, theo giới quan sát, xác minh tài sản kê khai theo quy định đang diễn ra chỉ mang tính hình thức và đối phó. Có nhiều địa phương và ban ngành, thậm chí cho bốc thăm chọn cán bộ để xác minh kê khai tài sản, điều mà công luận chỉ trích là mang tính hình thức.
Biện pháp kê khai tài sản của lãnh đạo và công chức, là một biện pháp cần thiết trong công cuộc chống tham nhũng ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, hầu hết lãnh đạo cấp cao, kể cả người đứng đầu Cơ quan Phòng chống Tham nhũng, cũng không gương mẫu trong việc kê khai tài sản theo quy định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 17/6/2018, trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, nói về việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, ông Trọng cho rằng: “việc kê khai tài sản cán bộ là rất khó và nhạy cảm, vì liên quan đến đời tư, bí mật cá nhân”.
Dư luận đánh giá, phát biểu này của Tổng Bí thư Trọng – người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – là điều hết sức mâu thuẫn. Vì như thế sẽ xảy ra tình trạng, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, và chủ trương yêu cầu kê khai tài sản của Đảng và chính quyền Việt Nam sẽ không đạt kết quả triệt để.
Trên thực tế, ở Việt Nam, đã có nhiều lãnh đạo giữ chức vụ cao trong bộ máy Đảng và nhà nước, việc kê khai tài sản luôn được đánh giá là trung thực trong một thời gian dài. Thế nhưng, sau đó, khi dính líu đến các vụ án tham nhũng, bị điều tra, thì lúc đó, cho việc kê khai tài sản đều là giả dối./.
Trà My – Thoibao.de