Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì và chỉ đạo “Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII”, tổ chức ngày 4/12 tại Hà Nội, đã được giới quan sát chính trị Việt Nam hết sức quan tâm.
Theo báo Nhân Dân, tham dự và chỉ đạo Hội nghị có các ông, bà Võ Văn Thưởng, Phạm Minh Chính và Trương Thị Mai. Hội nghị này không có sự hiện diện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng không rõ lý do vì sao ông Trọng vắng mặt, và đây là điểm bất thường.
Đáng chú ý, báo Tuổi Trẻ ngày 4/12 với bản tin, “Chủ tịch nước: Cán bộ cấp dưới mà cứ lựa cấp trên nghĩ gì để nói là nguy hiểm cho Đảng, đất nước”, đã khiến giới quan sát hết sức bất ngờ.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Nước, đã nhấn mạnh vấn đề đoàn kết trong nội bộ Đảng. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết:
“Nhận thức về đoàn kết, đại đoàn kết có nhiều yếu tố mới và không chỉ ở Việt Nam, mà trong khu vực, thế giới cũng thấy rõ.
Đoàn kết mà không có dân chủ thì không có đoàn kết thực sự. Giữa đoàn kết và chia rẽ thì đoàn kết sẽ mạnh hơn, phát triển hơn.”
Phát biểu này của ông Thưởng được cho là đã động chạm tới một vấn đề mà ai cũng biết, song lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại không dám thừa nhận, và không dám động chạm tới. Đó là sự mất đoàn kết trầm trọng, tình trạng kéo bè, kết cánh, đấu đá và tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hơn thế nữa, Chủ tịch Thưởng còn bồi tiếp, “Cán bộ cấp dưới mà cứ lựa coi cấp trên nghĩ gì để nói là nguy hiểm cho Đảng, đất nước”. Ông Thưởng diễn giải:
“Một cán bộ vào họp tập thể, nhưng lại cứ suy nghĩ vấn đề ông thủ trưởng nói, suy nghĩ thế nào để mình nói phù hợp ý ông, thì rất nguy hiểm.
Cái đó là đoàn kết một chiều, đoàn kết xuôi chiều, đoàn kết trên sự bưng bít, không lắng nghe sự thật. Không trao đổi một cách chân thành, lắng nghe, phân tích, mổ xẻ; mà bàn vấn đề gì chỉ đi hỏi thủ trưởng nghĩ thế nào để phát biểu cho trúng ý là không nên.”
Phát biểu kể trên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã làm dư luận liên tưởng đến việc, trước Đại hội Đảng khóa 13, những ý kiến “nịnh bợ” đối với Tổng Bí thư, khi ông Nguyễn Phú Trọng quyết tâm phá bỏ quy định theo Điều lệ Đảng, để ở lại nhiệm kỳ thứ 3. Đó là:
– Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – người tự ứng cử tại Hà Nội – đã ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng trước nghị trường Quốc hội vào ngày 29/3/2021: “Cảm động vô cùng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có mái đầu bạc trắng, hiên ngang, với gánh sơn hà nặng trĩu hai vai”. Theo giới thạo tin, ông Nguyễn Anh Trí đã trúng cử Đại biểu Quốc hội cả 2 khóa XIV và khóa XV, vì biết nịnh Tổng Bí thư như vậy.
– Ngày 27/5/2020, theo VNN online, trong bài viết, “Trường hợp đặc biệt về tuổi như Tổng Bí thư là hạnh phúc của Đảng, dân tộc”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Nguyễn Hồng Diên đã đăng đàn “nịnh” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên: “một số cán bộ trong khoá 12 được xem là trường hợp đặc biệt, trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đều thể hiện rất xuất sắc trong công việc”.
Sau khi tâng bốc, nịnh bợ người đứng đầu Đảng là ông Nguyễn Phú Trọng và một số nhân vật hàng đầu của Đảng, hôm 8/4/2021, Nguyễn Hồng Diên đã được ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công thương, qua trò mèo bỏ phiếu, bầu bán.
Theo giới quan sát, vấn nạn nịnh lãnh đạo là vấn đề trầm kha trong nội bộ Đảng, đã được cơ quan Tuyên giáo của Đảng thường xuyên sử dụng. Ví dụ, bài viết “Đẩy lùi thói xu nịnh – ngăn chặn mối nguy hại khôn lường” đăng trong mục “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa’”, trên báo Quân đội Nhân dân ngày 18/7/2019.
Trong bài viết vừa kể, tác giả Nguyễn Tấn Tuân đã đưa ý kiến của Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, khẳng định:
“Nịnh hiện đang là căn bệnh nan y. Không chỉ vậy, nịnh còn tác động trực tiếp đến chất lượng công tác cán bộ trong Đảng. Một số người được nịnh vì ưa lời ngon, tiếng ngọt, say sưa với cảm giác được “làm bề trên”, nên sinh ra xao lòng, thiếu tỉnh táo, mất bản lĩnh, không đánh giá đúng thực chất cán bộ, thiên vị cho kẻ luồn cúi, không trọng dụng cán bộ tốt, mà lại tạo điều kiện cho người xấu lấn lướt, lộng quyền, thăng tiến.”
Cũng rất may cho Thủ tướng Chính, ông phát biểu cách đây đã lâu. Dư luận cho rằng, nếu ông Chính nói đúng vào trước các Hội nghị Trung ương 7 và 8 khóa 13 vừa qua, thì Tổng Bí thư sẽ xé xác Thủ tướng ra từng mảnh.
Theo giới thạo tin, việc ông Võ Văn Thưởng đặt vấn đề mất đoàn kết nội bộ, cũng như vấn nạn nịnh, được cho là nhắm tới Tổng Bí thư Trọng, điều đó xảy ra vào thời điểm thế và lực của Tổng Trọng hết sức mong manh.
Từ vụ bê bối của đại gia Lê Thanh Thản, Tập đoàn Mường Thanh, hay vụ ký Huân chương Lao động cho Tập đoàn lừa đảo Việt Á, đến vụ đại án đình đám Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan mới đây, chắc chắn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không thể rũ bỏ trách nhiệm của người đứng đầu, vì để lọt những “con sâu bự” phá nát hệ thống.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học từng nhắc lại ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, than trong sự bất lực rằng: “Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế, nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ, mà vẫn trơ ra đó?”
Về phát biểu vừa kể, dư luận cho rằng, có lẽ ngoài ông Trọng thì chỉ có ông Giời mới hiểu được số phận bi đát của người đứng đầu Đảng, trong tâm thế sắp nghỉ hưu mà vẫn không biết mình có được hạ cánh an toàn hay không?./.
Trà My – Thoibao.de