Sau 11 tháng, nền kinh tế Việt Nam xuất siêu đến 24,4 tỷ đô la Mỹ, hơn năm ngoái đến 14 tỷ đô La. Tuy nhiên, chớ vội mừng vì con số này. Bởi cần phải xem xét thành phần kinh tế nào mang về con số thặng dư thương mại cho Việt Nam.
Được biết, riêng khối có vốn đầu tư nước ngoài FDI (hay còn gọi là khối ngoại) đã đóng góp đến 73,4% tổng giá trị xuất khẩu, tương đương 224,57 tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó, khối này nhập khẩu 181,08 tỷ đô la Mỹ. Tính ra, khối FDI đã mang về cho nền kinh tế Việt Nam đến 43,49 tỷ đô la Mỹ.
Vậy câu hỏi đặt ra là, khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân (gọi chung là khối nội) đã mang về cho Việt Nam bao nhiêu? Hay chính họ đã làm cho nền kinh tế chảy máu ngoại tệ?
Cũng theo thống kê, khối nội đã xuất 81,49 tỷ đô la Mỹ, trong khi đó, họ nhập khẩu lên đến 100,54 tỷ đô la Mỹ. Vậy là, khối nội đã làm chảy máu ngoại tệ một con số không hề nhỏ, nó tương đương 19,05 tỷ đô la Mỹ.
Năm ngoái, lượng kiều hối gửi về Việt Nam là 19 tỷ đô la Mỹ. Năm nay, Ngân hàng Thế giới dự đoán kiều hối Việt Nam là 14 tỷ đô la. Tuy nhiên, một số nhà bình luận kinh tế cho biết, họ tin là, kiều hối năm nay bằng hoặc cao hơn năm ngoái, chứ không thể thấp hơn. Bởi chưa bao giờ kiều hối Việt Nam tăng trưởng âm. Họ dự báo lượng kiều hối năm nay có thể từ 19 đến 20 tỷ đô la Mỹ. Nếu dự đoán này là đúng, thì số ngoại tệ do khối nội làm chảy máu tương đương với lượng kiều hối gửi về.
Trong những năm gần đây, khối FDI ngày càng đóng một vai trò lớn hơn trong kim ngạch xuất khẩu, mặc dù họ chỉ chiếm 19% nguồn vốn xã hội, và chỉ chiếm 5% tổng số doanh nghiệp. Những năm trước đây, FDI chiếm 69 đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, còn 2 năm trở lại đây, khối này đã tăng tỷ trọng xuất khẩu lên đến 74%. Điều này cho thấy, khối nội đang bị lép vế trước khối ngoại. Để cho nền kinh tế mỗi ngày một vững mạnh, thì khối nội phải tăng dần vai trò đối với nền kinh tế, chứ không phải giảm dần vai trò như thế được. Đây là sự yếu kém rõ ràng của ông Phạm Minh Chính – người đang nắm chức Thủ tướng hiện nay.
Nếu ví nền kinh tế Việt Nam là một cơ thể, thì khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân như là hai cái chân, còn khối FDI chỉ là thành phần trợ lực cho nền kinh tế, nó được ví như một cây nạng. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam hiện nay như bị liệt 2 chân và chỉ đứng nhờ trên cây nạng gỗ mà thôi. Đây là một nền kinh tế không có nền móng, nếu khối FDI mà rút, thì nền kinh tế Việt Nam sụp đổ như một lâu đài cát. Đảng Cộng sản lãnh đạo đã làm nên một nền kinh tế rỗng chân như thế. Hậu quả là dân gánh, chứ Đảng vẫn mạnh, quan chức vẫn giàu.
Cũng theo con số thống kê, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 75,5 tỷ USD; nhập siêu từ Trung Quốc 43,7 tỷ USD.
Nói chung, nền kinh tế Việt Nam đang kiếm ngoại tệ từ thị trường Mỹ và đem “cúng” phần lớn cho thị trường Trung Quốc.
Để Việt Nam có thể độc lập trước Trung Quốc, thì phải độc lập cả kinh tế lẫn chính trị. Về kinh tế thì cần giảm sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, với đôi chân què mà Đảng không biết cách chạy chữa, thì nền kinh tế Việt Nam làm sao tự đứng được đây? Cho nên, dưới bàn tay cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì Việt Nam sẽ chỉ ngày càng phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn chính trị.
Đấy là những gì thể hiện qua con số, nếu đi sâu vào đời sống dân sinh, và xem tình hình thị trường của Việt Nam thì mới thấy, nó nát bét không còn đường chữa.
Ý Nhi – Thoibao.de