Link Video: https://youtu.be/NxOrx1rTwTk
Ngày 14/11, VOA Tiếng Việt cho hay “Việt Nam ước tính năm nay tái lập kỷ lục về số người đi lao động ở các nước”.
Theo đó, có tới gần 133 nghìn người Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài, trong 10 tháng đầu năm 2023, vượt hơn 20% mục tiêu về xuất khẩu lao động đặt ra cho năm 2023, Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) và Tạp Chí Tài Chính đưa tin mới đây, dẫn thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
VOA cho hay Nhật Bản vẫn là nước hàng đầu về tiếp nhận người lao động Việt Nam, với 67.550 người. Đứng thứ hai là Đài Loan, nơi đã nhận 50.862 người Việt. Ở vị trí số ba là Hàn Quốc, nước này tuyển dụng 5.973 người lao động Việt, trong đó có 272 lao động nữ. Trung Quốc cũng nằm trong số các thị trường lao động sử dụng nhiều người Việt khi tiếp nhận 1.669 người.
Các nước Hungary, Singapore, Romania, Ba Lan, Ả rập Xê út và một số nước khác cũng có nhiều người Việt Nam đến làm việc, vẫn theo các bản tin.
VOA dẫn lời ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý lao động ngoài nước, nói với VOV rằng, “Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều quốc gia và thị trường có mong muốn tiếp nhận lao động Việt Nam với thỏa thuận mới”.
Vị Phó cục trưởng nhấn mạnh rằng, “Đây là cơ hội cho chúng ta tiếp tục duy trì và ổn định thị trường lao động ngoài nước, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài”.
Theo VOA, trong hàng chục năm nay, Việt Nam thực hiện chính sách đưa người lao động tới các nước đối tác, để giải quyết một loạt vấn đề, gồm tạo công ăn việc làm, giảm sức ép về việc làm trong nước, học hỏi nâng cao tay nghề, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình họ, và thu ngoại tệ về cho đất nước.
VOA dẫn một số cơ quan báo chí, như Dân Trí, VietnamNet… từng nêu vấn đề trong những năm gần đây, rằng người Việt ra nước ngoài với vị thế “làm thuê”, “nhân công giá rẻ” và đến nay tình hình vẫn chưa có gì thay đổi.
Các báo chỉ ra rằng, đến 70 – 80% những người đi xuất khẩu lao động để kiếm một số vốn, rồi trở về nước với tâm thế là đi làm thuê tiếp, chỉ có một số ít thực hiện được khẩu hiệu truyền miệng “đi làm thuê, về làm chủ”.
Ngoài ra, xuất khẩu lao động còn đem lại nhiều hệ lụy khác cho bản thân người lao động và gia đình, cũng như xã hội.
VOA từng làm phóng sự điều tra và một số báo trong nước đã tường thuật, trong số những người Việt đi làm thuê ở nước ngoài, không ít người có trình độ văn hóa thấp, kém ngoại ngữ nên đã bị lừa gạt, xâm hại, ngược đãi hay bị bóc lột ở xứ người.
Cụ thể, có vụ một thực tập sinh Việt Nam ở tỉnh Okayama, phía tây Nhật Bản, bị hành hạ, đánh đập đến mức bị gãy xương, vào năm 2019. Một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, anh bị đồng nghiệp đấm đá, dùng chổi đánh vào đầu và thân thể, bị mắng chửi vì không biết tiếng Nhật.
Sau khi vụ việc này được Chính phủ Nhật điều tra, Công ty để xảy ra vụ việc đã bị phạt, bị cấm nhận thực tập sinh. Những người tham gia hành hạ thực tập sinh bị khởi tố, còn thực tập sinh được xin lỗi và bồi thường.
Tuy nhiên, có nhiều người khác bị xâm hại khi đi xuất khẩu lao động ở một số nước khác, ví dụ như Ả Rập Xê Út, muốn trở về còn phải nộp tiền bồi thường. Chính quyền Việt Nam thông thường không hề có động thái nào để can thiệp hay hỗ trợ gì cho những công dân này, “sống chết mặc bay”, họ chỉ quan tâm đến lượng kiều hối mà lực lượng lao động này gửi về nước.
Nhiều trí thức cho rằng, xuất khẩu lao động là “nhục quốc thể”, bởi chỉ khi không có được những giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế, phát triển tri thức, người ta mới nghĩ đến hình thức “bán sức lao động” để kiếm sống.
Hoàng Anh
>>> Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ thị trường bất động sản bằng những giải pháp bất khả thi
>>> Các hãng đầu tư nước ngoài đang rút dần lợi nhuận ra khỏi Trung Quốc
>>> Xung đột pháp lý giữa nghị quyết của Đảng và chính sách của Chính phủ, kìm hãm sự phát triển
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì dám “mạo phạm” công an?