Link Video: https://youtu.be/iJoHYKZ_3E4
Ngày 8/11, RFA loan tin “Việt Nam xuất khẩu lao động trong 10 tháng vượt mục tiêu đặt ra cho cả năm”.
RFA dẫn tin từ Thông tấn xã Việt Nam hôm 8/11 cho hay, Việt Nam gửi hơn 132.000 người ra lao động ở nước ngoài, trong vòng 10 tháng qua, vượt mục tiêu đặt ra cho cả năm là 20%. Thị trường nhận nhiều lao động Việt Nam nhất là Nhật Bản, tiếp theo là Đài Loan, Hàn Quốc.
RFA dẫn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, hiện có hơn 200.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản (chiếm khoảng 50% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản). Dự kiến hết năm 2023, số thực tập sinh, lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản là 75.000- 80.000 lao động (vượt con số 68.000 lao động của năm 2022).
Chỉ riêng trong tháng 10, Việt Nam đã gửi hơn 21.000 người ra lao động ở nước ngoài, theo số liệu thống kê từ các công ty.
RFA cho biết, Việt Nam đặt ra mục tiêu chuyển 110.000 lao động ra nước ngoài trong năm nay. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu, ngoài duy trì các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam sẽ tiếp tục xúc tiến mở rộng thêm các thị trường mời, có thu nhập tốt, việc ổn định, đặc biệt là tại châu Âu.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 650.000 lao động Việt Nam ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kiều hối từ lao động Việt ở nước ngoài đóng góp một phần đáng kể cho Việt Nam. Ngân hàng Thế giới dự báo lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2023 đạt 14 tỷ đô la, góp phần hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt nam.
Chính phủ Việt Nam đang xem xuất khẩu lao động là quốc sách, như một biện pháp để cứu vãn nền kinh tế đang sụp đổ. Trong khi, giới trí thức coi việc xuất khẩu lao động là “nhục quốc thể”. Bởi, về bản chất, xuất khẩu lao động là hình thức bán rẻ sức lao động cơ bắp, không có sự phát triển về tri thức, công nghệ, cũng như khoa học kỹ thuật. Về vĩ mô, xuất khẩu lao động không đem lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Thay vì tìm những giải pháp hữu hiệu, như chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… – những yếu tố cốt lõi để phục hồi và phát triển nền kinh tế sản xuất và dịch vụ một cách bền vững – thì chính quyền Việt Nam lại thúc đẩy xuất khẩu lao động.
Đối với người lao động, trong tình trạng bế tắc hiện nay, khi không thể tìm được việc làm, hoặc tìm được việc thì tiền lương cũng rất ít ỏi, kể cả với những người có bằng cấp, thì xuất khẩu lao động là một giải pháp tốt cho bản thân họ và gia đình.
Đi xuất khẩu lao động có thể đem lại cho người lao động nguồn thu nhập cao hơn hẳn so với làm việc tại Việt Nam. Họ có thể có sự tích lũy cho bản thân sau khi kết thúc thời gian lao động, đồng thời có thể hỗ trợ, giúp đỡ gia đình. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông thì không học lên đại học, mà lựa chọn đi xuất khẩu lao động. Thậm chí cả giáo viên, kỹ sư, những người có bằng cấp cũng bỏ việc đi xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất nhiều người lao động xuất khẩu trở về, tuổi tác đã không còn trẻ, không có nghề nghiệp cụ thể và khó hòa nhập trở lại với xã hội Việt Nam, chưa kể đến rất nhiều hệ lụy khác trong các vấn đề về gia đình và xã hội.
Nhưng trước thực trạng không thể tìm được việc làm ở Việt Nam, người lao động không có lựa chọn nào khác.
Báo Hà Nội mới hôm 17/10 cho hay, Việt Nam hiện có 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, theo số liệu thống kê của tháng 9/2023.
Bên cạnh đó, một bản tin vào ngày 4/11 cho hay, có hơn 14.200 người mất việc trong tháng 10, tăng 17% so với tháng trước. Tính từ đầu năm 2023 đến nay số lao động thất nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh tăng 11% so với cùng kỳ.
Hoàng Anh
>>> Việt Nam mong muốn phát triển sản xuất chip, nhưng liệu có đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư?
>>> Trung Quốc giúp Việt Nam chống tham nhũng hay giúp đấu đá phe phái?
>>> Dự án lấn vịnh Hạ Long đã bị tạm dừng
>>> “Công cuộc đốt lò” chuyển hướng mục tiêu
Việt Nam lại bị Mỹ đưa vào “danh sách giám sát” về thao túng tiền tệ