Link Video: https://youtu.be/jXEHDMbKw-o
VOA Tiếng Việt ngày 23/10 cho hay, “Việt Nam dành riêng gần 23 tỷ đô la để tăng lương”.
VOA dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ báo chí nhà nước cho biết, ngân sách Việt Nam đã dành riêng được khoảng 560 nghìn tỉ đồng, tương đương gần 23 tỉ đô la Mỹ, để chuẩn bị thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ và công nhân viên chức trong ba năm tới.
Theo báo chí trong nước đưa tin, ông Chính đưa ra con số này trong báo cáo trước Quốc hội, về tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam từ đầu năm đến nay, trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ sáu vào sáng ngày 23/10.
Theo đó, số tiền này có được là do “thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương” trong khi bội chi ngân sách cùng các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát trong giới hạn mà Quốc hội đề ra. Số tiền dành dụm này đủ để Việt Nam dùng vào việc nâng lương trong khu vực nhà nước, từ năm 2024 cho đến năm 2026, theo lời ông Chính nói trước Quốc hội.
Truyền thống của Chính phủ Việt Nam bao năm qua, qua bao đời Thủ tướng, đều là bội chi. Vậy nên, nói Chính phủ tiết kiệm chi là điều khó tin, còn nói tăng thu thì liệu có thực tế trong tình hình kinh tế suy thoái kéo dài hiện nay?
VOA tiếp tục dẫn báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri gửi đến Quốc hội, của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Đỗ Văn Chiến, cho biết, cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng lương từ ngân sách “vui mừng, phấn khởi” trước chủ trương cải cách tiền lương.
Không rõ, việc “vui mừng, phấn khởi” này có bao nhiêu thực chất, bởi ở Việt Nam, ai cũng biết, lương chưa tăng thì vật giá đã tăng. Chính phủ, Quốc hội chỉ mới bắt đầu họp, bàn chuyện tăng lương, thì giá cả thị trường đã phi mã.
VOA cũng dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong báo cáo Quốc hội về tình hình thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm, cho biết, ngân sách Việt Nam đã thu được 1,223 triệu tỉ đồng, tức khoảng 50 tỉ đô la, đạt hơn 3/4 kế hoạch đề ra.
Theo VOA, mục tiêu cải cách tiền lương của Việt Nam là làm sao để mức lương khu vực công, bằng hay cao hơn mức lương bình quân thấp nhất của khu vực doanh nghiệp.
Để thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam dự toán phải có thêm gần 499 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2024 – 2026, trong đó chi tăng lương là 470 nghìn tỷ, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ, và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ, trang mạng Vietnamplus dẫn số liệu từ Bộ Tài chính cho biết.
Vẫn theo VOA, đây là một trong những nội dung được Trung ương Đảng thảo luận tại Hội nghị trung ương 8 vừa qua, và giao cho Chính phủ thực hiện.
Mức lương cơ sở ở khu vực công của Việt Nam, kể từ ngày 1/7 năm 2023, đã được điều chỉnh tăng lên 1,8 triệu đồng một tháng. Con số này sẽ được nhân với hệ số lương, để ra mức lương cụ thể của từng người. Chẳng hạn, một công chức mới bắt đầu đi làm sẽ có hệ số 2,34, sau khi nhân với mức lương cơ sở, sẽ được lãnh lương 4,212 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 170 đô la Mỹ.
VOA cho biết thêm, hệ số lương sẽ tăng dần theo chức vụ và thâm niên. Mức lương của Chủ tịch nước Việt Nam hiện nay, với hệ số lương 13 là 23.400.000 triệu đồng, tức chưa tới 1.000 đô la Mỹ một tháng.
Như vậy, lương của Chủ tịch nước của Việt Nam quá xa so với lương công nhân ở các nước tư bản.
Trang VnEconomy vào tháng 3/2023, dẫn dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong một so sánh không đầy đủ, thì lương tối thiểu của Việt Nam đứng thứ 159/167 quốc gia, với mức lương tối thiểu là 162 đô la một tháng, xếp gần chót bảng.
Được biết, mục đích của lương tối thiểu là thiết lập một mức thu nhập cơ bản cho người lao động, tại một quốc gia/vùng lãnh thổ. Về mặt lý thuyết, mức lương này đủ để đảm bảo các nhu cầu tối thiểu như thực phẩm và nhà ở. Nhưng một điều rất hiển nhiên là mức lương tối thiểu ở Việt Nam không đáp ứng các nhu cầu tối thiểu như trên.
Thu Phương
>>> Vì sao Bộ Công an khởi tố vụ án “đất hiếm” vào thời điểm hiện nay?
>>> Cảnh báo: chính quyền Việt Nam đang bóp nghẹt và triệt hạ đường sống của giới văn nghệ sĩ?
Xung đột ở Gaza lan rộng và quan điểm khác biệt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ