Link Video: https://youtu.be/UovlwRypAl4
Ngày 27/9, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt có bài “Cứ sai là kỷ luật hết thì lấy đâu ra người làm việc” bình về các vụ án oan sai.
Tác giả cho biết, bất kể công chúng, cả trong lẫn ngoài Việt Nam phản ứng thế nào, những cá nhân và cơ quan hữu trách ở Việt Nam vẫn không thèm lên tiếng về việc thi hành án tử hình ông Lê Văn Mạnh.
Ông Mạnh, 41 tuổi, ngụ tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, đã bị tiêm thuốc độc vào sáng 22/9, theo bản án chung thẩm mà Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao tại Hà Nội tuyên vào năm 2008.
Theo tác giả, từ tháng 7/2005 đến tháng 8/2008, vụ án của Lê Văn Mạnh được đưa ra xét xử đến 7 lần. Trừ Tòa Thanh Hóa khăng khăng cho rằng, ông Mạnh phạm tội và cần “tử hình”, Tòa án Tối cao và cả Viện Kiểm sát dùng dằng, không mạnh dạn xác định ông Mạnh thật sự có tội.
Tác giả nhận xét, sự dùng dằng ấy phát xuất từ việc, dường như ông Mạnh ngoại phạm (vào thời điểm nạn nhân bị giết, ông đang giúp em gái dọn nhà) và dấu hiệu của tra tấn, ép cung.
Tác giả cho hay, tháng 10/2015, Tòa án tỉnh Thanh Hóa từng ra thông báo cho gia đình ông Mạnh rằng, họ sẽ thi hành bản án này. Lúc đó, nhiều luật sư – trong đó có những người từng bào chữa cho ông Mạnh – đã đề nghị Chủ tịch Nhà nước hoãn thi hành bản án.
Một số tổ chức quốc tế như Ân xá Quốc tế, Ủy ban Luật gia Quốc tế cũng gửi thư, đề nghị ông Trương Tấn Sang – khi ấy là Chủ tịch Nhà nước – ra lệnh hoãn thi hành bản án tử hình ông Mạnh.
Vì vậy, vẫn theo tác giả, Chánh án Tòa án Thanh Hóa đã hoãn thi hành bản án. Chánh án Tòa án Tối cao ra lệnh rút toàn bộ hồ sơ vụ án liên quan đến ông Mạnh về để xem xét lại toàn bộ vụ án.
Vậy mà, vào trung tuần tháng này (18/9), Tòa án tỉnh Thanh Hóa lại thông báo cho gia đình ông Mạnh rằng, họ sẽ thi hành bản án tử hình. Thân nhân của ông Mạnh, công chúng, chính phủ nhiều quốc gia, như: Phái đoàn Ngoại giao của Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Na Uy, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế như Ân xá Quốc tế, Ủy ban Luật gia Quốc tế,… kêu gọi dừng thi hành án tử hình và điều tra lại tố cáo tra tấn, bức cung ông Lê Văn Mạnh.
Lần này, không có bất kỳ hồi đáp nào từ phía các cá nhân và cơ quan hữu trách của Việt Nam. Phản hồi duy nhất là thông báo từ Tòa án tỉnh Thanh Hóa là án tử hình đã được thi hành, ông Mạnh đã được đưa từ Hòa Bình về táng tại Thanh Hóa!
Tác giả bình luận, ông Mạnh không phải là trường hợp duy nhất và chắc chắn chưa phải là trường hợp cuối cùng. Ngay vào lúc này, vẫn còn hai tử tù mà hiếm có ai tin rằng họ có tội: Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải.
Gia đình của cả hai tử tù này đều đã từng được thông báo về việc họ sẽ bị hành quyết, nhưng do phản ứng của nhiều người, nhiều giới, ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, nên giờ chót, kế hoạch hành quyết bị hoãn, song cả hai vẫn tiếp tục sống mòn, chưa rõ đến lúc nào sẽ được trả tự do, hay bị hành quyết như Lê Văn Mạnh.
Tác giả dẫn phát biểu của Chánh án Tòa án Tối cao, thì cần có quy định về việc truy cứu trách nhiệm của thẩm phán bởi… Quốc hội đã có nghị quyết cho phép được sai 1,5%, nghĩa là trong 600.000 vụ án thì có 9.000 vụ được phép sai do lỗi chủ quan (không phải do giả mạo hồ sơ, không cố ý làm sai). Ông Bình nhắc nhở những viên chức cao nhất trong cơ quan lập pháp rằng: Cứ sai là bị kỷ luật hết thì lấy đâu ra người làm việc. Khi hệ thống tòa án làm việc cho Đảng, thì rõ ràng, rất cần phải răn đe Đảng như thế.
Thu Phương
>>> Lạm thu trong trường học dưới vỏ bọc “tự nguyện” – một gánh nặng cho phụ huynh học sinh
>>> Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa có Bác “sống mãi”, sao dân lại chui xe đông lạnh chạy trốn?
>>> Sau thảm họa chung cư mini, lộ mặt kền kền rỉa 110 tỷ?
>>> Chánh án Nguyễn Hòa Bình và chủ trương “Tử hình sạch đám kêu oan, thì sẽ không còn án oan”?
Tiền hỗ trợ nạn nhân vụ cháy chung cư mini lên đến hơn 100 tỷ, nhưng chính quyền chậm chạp giải ngân