Link Video: https://youtu.be/_zNW6DlPju4
Ngày 28/9, RFA Tiếng Việt loan tin “Cổ phiếu VinFast tại Mỹ lao dốc từ gần 100 đô la xuống còn 11.22 đô la một cổ phiếu”.
Theo đó, cổ phiếu của hãng xe điện VinFast trên thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc liên tục, từ mức 93 đô la khoảng một tháng trước, xuống còn 11.22 đô la một cổ phiếu, tính đến hết phiên giao dịch vào ngày 27/9. Mức vốn hoá của hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, hiện chỉ còn 26,2 tỷ đô la – bằng mức định giá ban đầu khi sáp nhập với Black Spade.
RFA cho hay, cổ phiếu của VinFast được lên sàn chứng khoán Nasdaq tại Mỹ hôm 15/8, với mức giá khởi điểm là 22 đô la một cổ phiếu. Mức giá này đã biến động mạnh ngay trong phiên đầu tiên, và đạt mức 37,06 đô la một cổ phiếu lúc đóng cửa cùng ngày, đưa mức vốn hoá của hãng xe VinFast vào lúc đó lên đến 58 tỷ đô la, cao hơn mức vốn hoá thị trường của các ông lớn khác như Ford ở mức 48 tỷ đô la và General Motors là 46 tỷ đô la.
Theo RFA, trong những phiên giao dịch tiếp theo, cổ phiếu của VinFast tiếp tục biến động lên xuống và đã có lúc vọt lên mức 93 đô la một cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu của hãng này đã giảm liên tục trong sáu phiên giao dịch vừa qua.
Với việc giá cổ phiếu giảm mạnh liên tiếp trong các phiên giao dịch vừa qua, vốn hoá của VinFast hiện xếp thứ 16 thế giới, sau hãng xe Hyundai của Hàn Quốc, Li Auto của Trung Quốc và sau hãng Maruti Suzuki India.
RFA cho biết, hôm 27/9, VinFast đã gửi đến Uỷ ban Chứng khoán Mỹ bản đăng ký sửa đổi việc chào bán cổ phiếu phổ thông từ một số cổ đông, bao gồm các nhà tài trợ của Black Spade, những người khác liên quan tới Black Spade và các cổ đông chủ chốt của VinFast gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) và Asian Star Trading & Investment (Asian Star).
Theo bản đăng ký này, nhóm cổ đông này sẽ đưa ra hơn 75,7 triệu cổ phiếu phổ thông. Đây là một số lượng cổ phiếu cao gấp 17 lần, so với 4,5 triệu cổ phiếu VFS khi niêm yết.
Bình luận về việc cổ phiếu VFS của VinFast lao dốc và những rắc rối của VinGroup gần đây, Kiến trúc sư nổi tiếng Dương Quốc Chính viết một status ngắn trên trang cá nhân của mình, châm chọc, anh mình (tức tỷ phú Phạm Nhật Vượng) tứ bề thọ địch căng quá. Bên Mỹ đế (tức “Đế quốc Mỹ” theo cách gọi của Cộng sản Việt Nam) thì nghe đồn, bán xe không chạy, chứng (tức chứng khoán) thì ung (ám chỉ việc giá VFS tuột dốc), giá này là dưới giá vốn rồi. Nếu về dưới 10 USD thì âm chắc, mà 5 USD thì thôi, giả dép bố về chứ chứng chái gì tầm này.
Tác giả bình luận, còn ở Việt Nam thì thấy bảo chứng cũng ung nốt. Mà bán xe chủ yếu cho em Xanh SM (tức Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM). Mà bán cho nó, chắc nó xin nợ, chứ mới ra ràng tiền đâu mà trả.
Trong khi đó, tác giả đá xoáy, cư dân bên Tham (tức Cụm nhà Chung cư Vinhomes Times City tại Hà Nội) lại kiện cáo rất phiền phức, cũng liên quan đến chỗ sạc xe điện. Mà bọn dân này dễ được đằng chân lân đằng đầu lắm. Không dìm ngay thì các khu khác cũng đu trend, nổi lên kiện, thì tiền đâu dập cho lại?
Tác giả chỉ thắc mắc là, tại sao tầng hầm bên Tham lại có khu vực sở hữu riêng của Vinhomes? Hay hợp đồng hồi đó chưa phân tầng hầm là sở hữu chung? Hay nó nằm ở tầng siêu thị chứ không phải gara?
Tác giả kết luận, hai bên kiện cáo nhau cũng hay, để các bên sáng mắt sáng lòng. Và tác giả đu trend lẩy Kiểu:
“Nghĩ mình phương diện quốc gia.
Quan trên trông xuống, người ta trông vào.”
Còn nhớ, vào thời điểm giá VFS đạt đỉnh, CEO Thu Thủy của VinFast “nổ” rất hăng, không rõ, giờ này bà Thủy nghĩ gì.
Xuân Hưng
>>> Lạm thu trong trường học dưới vỏ bọc “tự nguyện” – một gánh nặng cho phụ huynh học sinh
>>> Thiên đường Xã hội Chủ nghĩa có Bác “sống mãi”, sao dân lại chui xe đông lạnh chạy trốn?
>>> Sau thảm họa chung cư mini, lộ mặt kền kền rỉa 110 tỷ?
>>> Chánh án Nguyễn Hòa Bình và chủ trương “Tử hình sạch đám kêu oan, thì sẽ không còn án oan”?
Tòa án Việt Nam bất chấp oan sai vì sợ thiếu người làm việc?