Có thể nói, bao lâu nay, thị trường số đẹp của Việt Nam là một nhu cầu rất lớn. Có người cho rằng, số đẹp là số dễ nhớ, nhưng không phải vậy, theo quan điểm dân gian, số đẹp là số mà người ta tin rằng, nó sẽ mang lại cho họ sự may mắn nào đấy.
Chính vì xuất phát từ quan niệm mê tín như vậy, nên ở Việt Nam, lâu nay đã hình thành nhu cầu mua bán sim số đẹp cho điện thoại, biển số đẹp cho ô tô xe máy, số đẹp cho tài khoản ngân hàng vv…
Câu chuyện về thị trường sim số đẹp không khác mấy so với thị trường biển số đẹp. Biển số đẹp là biển số vừa có thể mang đến cho chủ nhân của nó sự phát tài (theo lòng tin của chủ nhân là như thế) và vừa là con số dễ nhớ. Mê tín đã ăn vào máu người dân Việt, vì thế mà nhà nhà, ai cũng muốn có số đẹp cho mình. Chính vì thế mà nhu cầu của thị trường về biển số đẹp là rất lớn, trong khi, biển số đẹp có số lượng rất hạn chế, nên giá thành bị đẩy lên rất cao. Có người đi xe ô tô “cỏ” (ô tô bình dân), nhưng có biển số đẹp, thì giá của biển số đó có khi gấp nhiều lần giá trị chiếc xe. Tương tự đối với xe máy, một xe có biển số đẹp, có khi có giá lên đến hàng chục lần giá trị chiếc xe.
Một đại gia khi “thửa” cho mình một chiếc xe sang, thì cũng bung tiền ra mua cho được biển số đẹp, để khẳng định “số má”. Còn nhớ, cách đây khoảng 20 năm, bà Dương Thị Bạch Diệp – tức đại gia Diệp Bạch Dương – đặt mua chiếc Rolls Royce Phantom chính hãng từ Anh Quốc, có màu diệp lục – màu trùng với tên bà. Sau đó, bà “thửa” cho chiếc xe siêu sang của mình một biển số độc nhất vô nhị – 77L – 7777 – một biển số vô cùng đẹp vào thời điểm đó. Chữ L trên biển số được xem như là số 7 quay 180 độ. Bà Diệp không tiết lộ giá của biển số, nhưng theo giới am tường, thì có thể, biển số đó không thua kém giá trị của chiếc xe.
Bỏ tiền ra săn lùng số đẹp tốn kém, tuy nhiên, may mắn đâu không thấy, chỉ thấy bà Diệp bị dính vào tù tội sau đó.
Nói thế để thấy, biển số đẹp có nhu cầu rất lớn. Mà khi cầu lớn, thì nhiều người nhảy vào, săn lùng xe có biển số đẹp, rồi về bán lại. Bao năm qua, ngành này đang làm ăn rất phát đạt, thì bỗng nhiên, Bộ Công an ra quy định về bản số định danh.
Theo quy định này, bản số xe gắn với người, chứ không gắn với xe. Như vậy, những xe cũ có bản số đẹp sẽ không thể bán được cho chủ mới, bởi người mua xe biển số đẹp chủ yếu là mua biển số, chứ xác xe thì họ không cần. Những người chơi bản số đẹp, họ dư tiền để mua xe mới.
Chính vì thế, chỉ một quy định của Bộ Công an đã làm cho hàng loạt chủ cửa hàng buôn bán xe cũ bản số đẹp, gần như mất trắng vốn. Có người bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua xe bản số đẹp, nhưng sau khi có quy định về bản số định danh, thì tài sản của họ bốc hơi đến 90% giá trị. Thật là một cú ra đòn cực hiểm của ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Nhiều người than phiền rằng, Bộ Công an ra Thông tư 24/2023 về bản số định danh là hành dân. Nhận xét này đúng, nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề mà thôi, mặt còn lại là gì? Đó là, Bộ Công an hiện nay độc chiếm thị trường bán số đẹp, họ bán bằng cách đấu giá. Mới đây, ngày 15/9, Công an thành phố Hà Nội cho đấu giá biển số 30K.55555, và đã được chốt với giá hơn 14 tỷ. Một mức giá được xem là “không tưởng”, bằng hàng chục chiếc ô tô hạng trung như Toyota Camry.
Ra quy định biển số định danh để tước đi gần hết vốn liếng của giới buôn xe biển số đẹp. Công an tung ra thêm chiêu đấu giá bản số, thì có nghĩa là, công an đã cướp lấy thị phần, cướp lấy tài sản của những người buôn xe biển số đẹp. Họ không cướp trắng trợn theo cách vào nhà đòi người ta đưa tiền, mà họ cướp bằng chính sách. Cướp lấy thị phần còn kinh khủng hơn cướp vốn làm ăn của người dân. Từ đấy mới thấy những trò cướp bóc dã man, và đầy toan tính của Bộ Công an như thế nào?
Ý Nhi – Thoibao.de