Link Youtube: https://youtu.be/zKqUahux0AU
Ngày 14/9, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Triển vọng và thách thức sau khi Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ” của tác giả Lê Thùy Dương.
Tác giả cho rằng, việc nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược không chỉ tạo điều kiện hợp tác kinh tế, mà còn khiến hợp tác trong lĩnh vực quân sự sâu sắc hơn.
Cả hai bên đều đồng ý rằng, lợi ích an ninh quốc gia của Việt Nam và Mỹ phần lớn gắn kết với nhau, bao gồm: 1) sẵn sàng thúc đẩy một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập; 2) cam kết đối với một trật tự quốc tế dựa trên quy tắc; 3) sự hiện diện lâu dài của Mỹ trong khu vực.
Tác giả phân tích:
Về mặt quân sự, Hoa Kỳ và Việt Nam đã từng bước tăng cường hợp tác, đặc biệt tập trung vào an ninh biển. Dù còn hạn chế, nhưng Hoa Kỳ đã cung cấp cho Việt Nam các thiết bị quân sự thiết yếu và đào tạo để nâng cao năng lực hàng hải của Việt Nam. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 2016, giúp Việt Nam có thể mua vũ khí của Hoa Kỳ.
Về mặt kinh tế, Hoa Kỳ và Việt Nam có thể hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như chuyển giao công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh. Hoa Kỳ có thể khuyến khích các công ty Mỹ chuyển đến, hoặc kết hợp chuỗi cung ứng của họ với Việt Nam.
Thương mại song phương giữa hai nước đã phát triển vượt bậc trong ba thập kỷ qua và đầu tư song phương lên tới hàng tỷ USD. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử. Việt Nam mua các sản phẩm của Hoa Kỳ như bông và đậu nành. Là một trong 14 đối tác triển khai Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF), Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang đạt được tiến bộ trong việc hoàn thiện văn bản về cả bốn trụ cột của IPEF.
Sau khi nâng cấp quan hệ, hai nước sẽ tập trung vào những lĩnh vực như hợp tác chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển công nghiệp chế tạo, công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm…
Tại tiểu vùng Mekong, Hoa Kỳ ủng hộ hợp tác xuyên biên giới nhằm giải quyết kết nối kinh tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên, an ninh phi truyền thống và phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ Mekong – Hoa Kỳ. Nâng cấp quan hệ với Mỹ, Việt Nam có thể tìm thấy sự hỗ trợ đáng kể trong việc thúc đẩy sự phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Về vấn đề Biển Đông, tác giả nhận định, các chuyên gia Việt Nam và Mỹ đều công nhận tầm quan trọng của an ninh hàng hải đối với lợi ích quốc gia của hai bên. Sự hiện diện ngày càng gia tăng của lực lượng hải quân, lực lượng thực thi pháp luật và dân quân Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam, cho thấy cách thức xúc tiến yêu sách “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh, và sự suy yếu trong việc thực thi luật pháp quốc tế ở vùng biển Đông Nam Á.
Sau khi quan hệ Việt – Mỹ được nâng cao, Mỹ sẽ có thể giúp Việt Nam nhiều hơn nữa về tăng cường năng lực biển. Mỹ chủ yếu tập trung hỗ trợ xây dựng năng lực tuần tra và giám sát hàng hải của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tác giả phân tích các thách thức khi nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ. Theo đó, Trung Quốc vẫn là nước có mối quan hệ đối ngoại quan trọng nhất đối với Việt Nam, một phần vì sự gần gũi về địa lý. Việt Nam cũng không muốn “theo phe” Mỹ hoặc bị coi là đứng về bất kỳ phe nào. Bắc Kinh có thể khai thác sự e ngại của Hà Nội về sự thay đổi chế độ, để gieo rắc mối bất hòa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Bởi Trung Quốc vừa là động lực, vừa là nhân tố kìm hãm việc phát triển quan hệ an ninh chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Mỹ, nên theo một số chuyên gia, Việt Nam có thể sẽ duy trì hai chính sách đã có từ lâu trong việc xác định mối quan hệ hợp tác với Mỹ. Đó là chính sách đối ngoại “đa hướng” (đa phương hóa) và chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam (không thiết lập liên minh quân sự; không liên kết với một quốc gia để chống lại một quốc gia khác; không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).
Với chính sách đối ngoại “đa hướng”, Hà Nội nhiều khả năng sẽ không chỉ tiếp cận Washington, mà còn tìm đến các bên tham gia lớn khác, đáng chú ý là Tokyo, Moscow, New Delhi, Canberra và Bắc Kinh. Chính sách “bốn không” có nghĩa là, nếu có thể, Việt Nam sẽ né tránh việc hợp tác đầy đủ về các khía cạnh được coi là rõ ràng chống lại Trung Quốc trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vẫn theo tác giả, các thách thức đáng kể khác bao gồm, chính sách của Mỹ liên quan đến xuất khẩu vũ khí sát thương; vấn đề nhân quyền và tự do dân sự ở các nước được hỗ trợ; các đạo luật Mỹ nhằm vào các nước mua vũ khí của Nga (Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA)); hạn chế của Việt Nam trong khả năng tiếp nhận công nghệ quân sự của Mỹ, bao gồm chi phí, năng lực tiếp thu, khả năng phối hợp hoạt động với các hệ thống hiện tại (chủ yếu là hệ thống của Nga), và rào cản ngôn ngữ giữa hai bên.
Minh Vũ – thoibao.de
>>>Muốn gặp Mỹ phải “lụy” Tàu. Tổng đạp đầu dân, cúi đầu trước “bạn vàng”?
>>>Đại án Việt Á: Chạy tội cho quan tham, Trung tướng Tô Ân Xô “vụng chèo khéo chống”?
>>>Những căn bệnh nguy hiểm của quan chức Cộng sản
>>>“Phải thay đổi để chúng ta có quyền hy vọng trời mỗi ngày lại sáng!”
Lần đầu tiên một Tổng thống đứng cạnh một Đảng trưởng trên bục danh dự