Ngày 4/9, VnExpress đưa tin, “Bình Thuận: Phá rừng tự nhiên hơn 600ha để làm hồ thủy lợi”. Tin này lập tức làm nóng mạng xã hội.
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận quyết định phá khu rừng tự nhiên rộng 619 ha ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, để xây hồ chứa nước Ka Pét, dung tích hơn 51 triệu m3. Dự án này đã được Quốc hội thông qua từ năm 2019, dự kiến sẽ hoàn thành trước 2025.
Trong số 600 ha rừng tự nhiên sắp bị phá, có 137 ha rừng đặc dụng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Theo VnExpress, rừng ở đây nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, ít bị con người tác động, nên trữ lượng gỗ còn rất lớn. Có những cây cổ thụ mấy trăm năm tuổi. Khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ. Sau đó, tỉnh sẽ cho bù lại bằng rừng trồng mới ở nơi khác, với kinh phí 177 tỷ.
Một số câu hỏi mà công luận đặt ra và muốn các cơ quan chức năng, đặc biệt là Quốc hội, cần có câu trả lời, đó là:
- Tại sao lại phải phá khu rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi này, trong khi lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế và sự phát triển?
- Tại sao phải tuyệt diệt một hệ sinh thái, mà cần phải mất hàng triệu năm mới hình thành được? Tại sao không tính đến kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng chỉ đạo? Quyết định phá 600ha rừng là sẽ mất hàng tỷ cây xanh, mà hầu hết, cây ở đây là cây có hàng chục năm tuổi, thậm chí những cây hàng trăm năm tuổi.
- Tại sao lại phá rừng, rồi trồng lại rừng mới với diện tích gấp 3? Vậy trong 1800ha trồng mới đó, tại sao không bố trí để đào hồ tại đó?
- Nếu phải đào hồ, sao chỉ đào hồ rộng 700ha sâu 5m, mà không sử dụng phương án đào hồ diện tích 300ha (bằng một nửa) nhưng với độ sâu 12m hay sâu hơn? Bởi mặt hồ càng hẹp thì khả năng nước bay hơi nước càng ít hơn, nhất là trong điều kiện nắng ở xứ sở Bình Thuận? Hỏi có lẽ cũng là trả lời.
Thông tin của Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận khi nói về giá trị của Rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét đã cho biết, “Đây không chỉ là cánh rừng được đánh giá ít bị tác động nhất mà ở Sông Móng – Ka Pét, hàng ngàn cây lim xanh nhiều năm tuổi sừng sững chiếm lĩnh những tán cao đẹp mê mẩn.” Và “Hàng ngàn cây lim xanh, mỗi cây trên một trăm năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng”.
Có thể sử dụng công cụ tìm kiếm google, không khó để có thể tìm được giá của gỗ lim, ước chừng khoảng 35 triệu đồng/m3; giá của gỗ căm xe tròn là 10-13 triệu đồng/m3; giá của gỗ hương là 18-45 triệu đồng/m3; giá của gỗ cẩm lai với tuổi thọ cao là… 80-100 triệu đồng/m3. Theo những hình ảnh đăng trên Vnexpress, có thể thấy, đa phần là gỗ căm xe mọc dày đặc ở khu rừng này.
Dư luận người dân ở địa phương cho biết, tỉnh Bình Thuận hiện tại đã có 49 hồ chứa nước. Nếu phá 600ha rừng này để đào hồ Ka Pet, thì đây sẽ là hồ chứa thứ 50, và nghe chừng, dự án này có gì đó không ổn. Họ định phá 600 ha rừng để lấy gỗ bán chia nhau ư?
Việc tận diệt một khu rừng nguyên sinh 600 ha, với nhiều gỗ quý, có nhiều cây hàng trăm năm tuổi, sắp diễn ra. Việc khai thác tất cả những tài nguyên quý giá của khu rừng, để rồi, tóm lại vẫn là việc khai thác, mua bán gỗ là chuyện hàng đầu.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nêu quan điểm, “Mấy hôm nay nghe công luận nói rát bỏng chuyện phá 600 hecta rừng Hàm Thuận Nam, Bình Thuận để làm hồ Ca Pét. Nghĩ lại, rõ ràng có dự án THỦY ĐIỆN đằng sau và rõ ràng có nhóm….”.
Và báo Tuổi Trẻ, trong bài viết với tiêu đề “’Hố bom” titan làm tan hoang khu du lịch”, theo đó, “trong việc khai thác titan ở Bình Thuận đã được chỉ ra về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng titan đến năm 2020, xét tới 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013 với con số 5,9 triệu tấn titan, trị giá 138 tỉ USD”.
Phải chăng, việc phá 600 ha rừng và đào hồ chứa nước rộng tới 700ha, nhưng chỉ sâu có 5m, mục đích thực sự là để phục vụ cho dự án khai thác titan của nhà đầu tư Trung Quốc, như dư luận ở Bình Thuận phản ánh?
Điều kỳ lạ là, quyết định quan trọng đó, báo chí không được biết, hoặc biết nhưng không được phép đưa tin. Và nếu như VnExpress không đăng tải, thì chẳng ai biết rằng, khu rừng nguyên sinh này sắp bị đốn hạ hoàn toàn. Mãi cho đến ngày 4/9, khi UBND tỉnh Bình Thuận chuẩn bị phá rừng, báo chí mới được phép đưa tin (như một chuyện đã rồi), thì lúc đó người dân mới biết.
Cũng ngày 4/9, nhiều tài khoản Facebook loan tin, nhà báo Việt Quốc – Facebooker Quốc Phan Thiết – tác giả bài báo “Khu rừng hơn 600 ha sắp bị phá làm hồ thủy lợi” trên trang VNExpress, bị hăm dọa ngay sau khi công bố sự thật này. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi đăng tin “kêu cứu”, status này của nhà báo Việt Quốc đã bị gỡ bỏ “đúng quy trình”.
Dư luận phản ứng cho rằng, “Đó là một quyết định phản quốc của Quốc hội, song Quốc hội không thể bấm nút thông qua, nếu không có sự chỉ đạo của Đảng ở đằng sau, cho nên Đảng Cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm về quyết định này”.
Điều đó càng cho thấy,quyết định của Quốc hội, một lần nữa, không thể hiện ý chí của toàn dân như họ nói, mà thể hiện ý chí, của Đảng và các nhóm lợi ích./.
Trà My – Thoibao.de