Nhân ngày giỗ lần thứ 54 của ông Hồ Chí Minh (2/9/1969 – 2/9/2023) có một tin đáng quan tâm, đó là, từ năm 2019, ông Nguyễn Đình Bin, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đã gửi bản “Kiến nghị về thực hiện đúng di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Theo ông Nguyễn Đình Bin, đơn kiến nghị này đã được gửi tới bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; cùng các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Đơn kiến nghị có đoạn viết, “Vừa qua, tôi có trình lên Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, kiến nghị với nội dung nói trên…”. Và, “Tôi đã nhận được công văn số 299/BDN ngày 13/8/2019 của Ban Dân nguyện của Quốc hội, do Trưởng ban Nguyễn Thanh Hải ký, thông báo “Chủ tịch Quốc hội đã nhận được thư kiến nghị” và “xin trân trọng gửi lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe của Chủ tịch Quốc hội đến ông cùng toàn thể gia đình”.
Nhưng kể từ 8/2019 đến nay, kiến nghị này của cựu Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin cũng rơi vào quên lãng, chẳng thấy ai quan tâm hay nhắc tới vấn đề nhạy cảm này.
Đến nay, đã 54 năm, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà lãnh đạo Cộng sản, người đặt nền móng cho chế độ Cộng sản ở Việt Nam – qua đời, nhưng thi hài của ông vẫn còn trưng bày trong lăng, đặt ở quảng trường Ba Đình, bất chấp di nguyện được hỏa táng mà ông đã viết trong Di chúc.
Di chúc của ông Hồ Chí Minh nêu mong muốn của ông là:
“Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.”
Dù thừa nhận, đây là một vấn đề của lịch sử để lại, vào thời kỳ phong trào các quốc gia theo đường lối Cộng sản chiếm phân nửa địa cầu, là đối trọng với khối Tư bản do Hoa kỳ dẫn dắt. Khi đó, ở các quốc gia theo chế độ Cộng sản, thì lãnh tụ là biểu tượng tinh thần hết sức quan trọng. Niềm tin vào lãnh tụ và biểu tượng của lãnh tụ là sức mạnh để tập hợp các lực lượng, để tạo sức mạnh cho chế độ Cộng sản nói chung, và Cộng sản Việt Nam nói riêng.
Lăng Lenin, hay lăng của lãnh tụ Cộng sản Bulgaria Gueorgui Dimitrov, được xây năm 1949 v.v… đều với mục đích như vậy.
Lăng Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tại Hà nội từ năm 1973, sau gần 9 tháng kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết. Lúc đó, người Mỹ đã rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng hai miền Nam – Bắc vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Đó là một trong những lý do vì sao, mặc dù di nguyện của ông Hồ Chí Minh viết trong Di chúc là được hỏa táng, nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ quyết định gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ đưa ra lý do, vì đồng bào miền Nam chưa được gặp mặt, chưa được thấy mặt tận mắt Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định xây lăng để giữ gìn và bảo quản thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nếu như vậy, đến nay, rõ ràng đồng bào miền Nam cũng đã hết muốn gặp, hết muốn thấy tận mắt Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn nữa, di hài của ông Hồ thực chất chỉ là một khối sáp vô hồn. Vậy tại sao, di nguyện hỏa táng của ông sau 54 năm vẫn chưa được ban lãnh đạo Cộng sản Việt Nam thực thi? Trong lúc đó, ở Bulgaria, năm 1999, lăng lãnh tụ Cộng sản Gueorgui Dimitrov đã bị phá dỡ?
Theo Đài Á Châu Tự Do, nữ chuyên gia chuyên nghiên cứu về Hồ Chí Minh, bà Olga Dror, nói rằng: “Đảng và Chính phủ [Việt Nam]họ muốn duy trì di sản của chế độ. Những nhà lãnh đạo muốn thể hiện rằng, họ là trung tâm của tôn giáo chính trị ở các quốc gia đó.”
Vẫn theo bà Olga nhận định: “Đảng phải giữ mối liên hệ giữa người sáng lập ra nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và người dân. Đây là điều là cần thiết để duy trì hệ thống Xã hội Chủ nghĩa trong khi tình hình đang thay đổi.”
Một nguyên do khác khiến lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cố giữ gìn thi hài Hồ Chí Minh, là vì, xác của một số các lãnh tụ Cộng sản khác như Mao Trạch Đông, Lenin, Kim Jong il của Bắc Hàn… vẫn tồn tại. Việt Nam sẽ rất khó xử nếu là quốc gia đầu tiên chôn cất ông Hồ Chí Minh.
Trên thực tế, từ sau khi Liên Xô tan rã, các nước theo Chủ nghĩa Cộng sản đã sụp đổ và hết vai trò. “Vào năm 1991, dư luận Nga đã bắt đầu đề cập đến chuyện chôn cất Lenin. Năm 2015, có đến hơn một nửa dân số Nga đồng thuận với ý tưởng này. Bộ trưởng Văn hóa Nga thậm chí còn phát biểu rằng “Đã đến lúc chôn cất Lenin”.
Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, hình ảnh cũng như đạo đức của ông Hồ Chí Minh đang dần dần héo khô, trong một xã hội mà tính Đảng đã trở nên cạn kiệt. Hầu hết các quan chức tham nhũng cộm cán mới ra toà gần đây, đều từng là những cá nhân “ưu tú, thấm nhuần đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Do vậy, duy trì biểu tượng Hồ Chí Minh đã rất lỗi thời và tốn kém, và nó đã bị thực tế phủ nhận trên mọi phương diện.
Những người Cộng sản Việt Nam thường xuyên học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông Hồ Chí Minh có nguyện vọng được hỏa táng, lý do gì mà lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ, đến nay vẫn không thực hiện di nguyện đó.
Xin hãy để cho ông Hồ Chí Minh có quyền chết được nhắm mắt, được an táng, như một con người bình thường./.
Trà My – Thoibao.de