Việt Nam: giấc mơ hóa rồng và tư duy “quốc gia không chịu phát triển” của Tổng Bí thư

 

Sinh thời, ông Lý Quang Diệu – Thủ tướng Singapore – đánh giá, Việt Nam là dân tộc có nhiều phẩm chất tuyệt vời, đồng thời có vị trí địa lý, nguồn tài nguyên lý tưởng.

Trong bộ sách Hồi ký Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng Singapore không ngần ngại đánh giá rằng: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á, thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.

Vậy mà đến nay, trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam thua cả Campuchia, mà thua về lĩnh vực giáo dục thì rất đáng báo động.

Nếu lấy “Chỉ số Hộ chiếu Henley” mới nhất – là bảng xếp hạng “quyền tự do đi lại mà không cần thị thực” (visa) – hộ chiếu Việt Nam hiện xếp thứ 82 trên thế giới.

Ở bảng xếp hạng lần này, thứ hạng hộ chiếu của các quốc gia Đông Nam Á như sau: Singapore thứ nhất (1), Malaysia thứ (11), Brunei (20), Timor Leste (55), Thái Lan (64), Indonesia (69), Philippines (74), Campuchia (82) bằng Việt Nam, Lào (87), Myanmar (89). Nghĩa là, so sánh với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng trên Lào và Myanmar. Thật chua xót.

Tại sao cùng là một quốc gia đi ra từ chiến tranh, vậy mà, “Quy mô nền kinh tế Hàn Quốc tăng từ 4 tỷ USD năm 1960 lên tới 1.800 tỷ USD vào năm 2021. Cùng với thu nhập bình quân đầu người tăng từ 94 USD/người/ năm 1961 lên tới 35.000 USD/người/năm vào năm 2021”, và Hàn Quốc đứng trong nhóm10 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay.

Người Hàn Quốc đạt được kỳ tích đó sau gần 20 năm. Lãnh đạo Hàn Quốc bằng sự tài giỏi và trí thông minh, đã đưa đất nước họ thoát khỏi đói nghèo và tạo tiền đề vững chắc cho đất nước phát triển thịnh vượng như hiện nay.

Còn Việt Nam, sau 49 năm kết thúc chiến tranh, mục tiêu đưa đất nước trở thành quốc gia công nghiệp vào năm 2020, như tuyên bố của cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Không chỉ vậy, một đất nước với mục tiêu công nghiệp hóa, mà con vít tiêu chuẩn do Samsung đặt hàng, đến nay cũng không làm nổi. Tháng 5, tháng 6 vừa qua, điện năng không đủ phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Nhiều nhà máy của các hãng nổi tiếng thế giới phải đóng cửa sản xuất vì thiếu điện.

Tại sao Hàn Quốc và rất nhiều quốc gia khác làm được và thành công? Họ đã làm gì để đạt kỳ tích đó?

Câu trả lời là, Hàn Quốc thật may mắn bởi có các nhà lãnh đạo đất nước tầm cỡ, với tầm nhìn xa trông rộng, tận tâm tận lực vì sự phát triển của đất nước, điển hình là Tổng thống Park Chung Hee, lãnh đạo đất nước từ năm 1961.

Đó là lý do tại sao Hàn Quốc trong nhiều chục năm liên tục phát triển bền vững, trên nền tảng khoa học và công nghệ.

Trong lúc đó, Việt Nam vẫn loay hoay với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì” của cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, mà ở bất kỳ hội nghị nào cũng một câu hỏi duy nhất, nhàm chán và thiếu trí tuệ như thế. Dư luận đã bày tỏ sự thất vọng về viễn kiến của lãnh đạo Việt Nam, dân chúng bảo, “trồng cây thuốc phiện và nuôi con cave” đi, sao cứ hỏi mãi?

Ở Hàn quốc, để hiện thực hóa “giấc mơ Đại Hàn”, các chaebol là quân bài chiến lược, là cánh tay nối dài để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đất nước giàu mạnh trên nền tảng khoa học công nghệ. Giai đoạn 1988 -1998, thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam đã rập khuôn mô hình này của Hàn Quốc, với mô hình các tập đoàn, tổng công ty của kinh tế nhà nước Việt Nam, với tên gọi là các ‘quả đấm thép” của kinh tế quốc doanh. Nhưng thất bại toàn tập.

Trong khi, ở Hàn Quốc, mô hình đó, với các chính sách bảo hộ cạnh tranh, hỗ trợ tài chính, cộng với chính sách phát triển đồng bộ, để tạo đà và động lực, để thúc đẩy các chaebol không ngừng hoàn thiện năng lực công nghệ và nâng cao hiệu quả sản xuất, để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Một điểm không thể không nhắc tới trong sự thành công của Hàn Quốc, đó là việc chống tham nhũng triệt để. Tổng thống Park Chung Hee từng tuyên bố, “Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ 1 đồng”. Với chủ trương xuyên suốt như vậy, là lý do khiến nhiều đời Tổng thống Hàn quốc phải xộ khám, kể cả Tổng thống Park Geun-hye, con gái của Park Chung Hee. Và họ đã thành công.

Trong khi đó, các “quả đấm thép” của Việt Nam như Vinashin, Vinaline… sau 5 năm, lỗ gần 8 tỷ USD, do đầu tư tràn lan, quản lý kém, cộng với vấn đề tham nhũng trầm trọng. Để sau 8 năm, tham vọng của lãnh đạo Việt Nam tan tành, kéo theo cả chục tỷ USD đổ xuống sông, xuống biển.

Tổng Bí thư: Cán bộ sai phạm tự giác xin nộp lại tiền, thì miễn xử hoặc xử nhẹ

Chưa hết, theo VnMedia ngày 19/11/2022 cho biết, sáng 19/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, “cán bộ nào đã có sai phạm, rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền, thì sẽ “miễn xử hoặc xử nhẹ”; không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt…”

Và với quyết tâm khác hẳn của lãnh đạo Việt Nam như vậy, đất nước Hàn Quốc đã thoát khỏi đói nghèo và tạo tiền đề vững chắc để đất nước phát triển thịnh vượng. Không chỉ dừng lại ở kết quả đã đạt được, hiện nay, mục tiêu dẫn đầu thế giới về công nghệ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với Hàn Quốc. Lãnh đạo Hàn Quốc hướng tới mục tiêu đưa Hàn Quốc gia nhập nhóm quốc gia top 5 thế giới về khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, vào năm 2030 tới đây.

Còn lãnh đạo Việt Nam hiện nay vẫn mơ ngủ, thậm chí vẫn không biết sử dụng smatphone hay máy tính, vậy mà còn tưởng tượng rằng, “Chưa có bao giờ đất nước có cơ đồ như ngày hôm nay!”.

Đó là lý do, theo chuyên gia kinh tế cao cấp, bà Phạm Chi Lan, nhắc đến lời “nói đùa” mà rất đau của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, “Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!”./.

Vũ Anh – Thoibao.de