Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Việt Nam, nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã từng chua xót kể lại rằng, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới có một câu nói đùa về Việt Nam, nhưng nghĩ mà đau. Họ nói: “Trên thế giới có các loại: các quốc gia phát triển; chậm phát triển, nhưng Việt nam của các bạn là quốc gia khác biệt, một đất nước không chịu phát triển!”.
Kể chuyện này để thấy, Việt Nam là một đất nước của những nghịch lý. Chỉ riêng chuyện, Việt Nam có hơn 3.200 km bờ biển, vậy mà, mỗi năm phải chi đến hàng tỷ USD để nhập muối, là một ví dụ không thể tin nổi.
Trong phiên họp Quốc hội chiều 15/8, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã có phần chất vấn với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, về vấn đề, vì sao Việt Nam phải nhập khẩu muối. Theo Tạp chí Cộng sản, Đại biểu Trí đặt câu hỏi, “…tại sao Việt Nam mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối với trị giá hàng tỷ USD, trong khi Việt Nam có bờ biển dài mấy ngàn cây số?”. Đồng thời, Đại biểu Trí đã đề nghị Bộ trưởng Hoan cho biết giải pháp cụ thể, cần phải làm gì để Việt Nam không cần nhập khẩu muối ăn, để diêm dân có thể sống bằng chính nghề làm muối của mình?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nghề muối truyền thống ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn. Diện tích ruộng muối có xu hướng thu hẹp, vì sản xuất muối không hiệu quả, do giá bán muối quá thấp, nên diêm dân bỏ nghề.
Giới chuyên gia cho rằng, có 2 vấn đề khiến Việt Nam phải nhập khẩu muối. Thứ nhất, hiện nay diêm dân ở Việt Nam vẫn còn khai thác muối theo kiểu thủ công, theo lối truyền thống. Tức là, làm ruộng muối, cho nước biển vào, phơi nắng cho bốc hơi, rồi cào muối lại để mang đi bán. Thứ hai, chất lượng muối của Việt Nam chưa cao, do đó, giá bán thấp. Đã thế, bà con diêm dân còn bị thương lái ép giá, nên họ bỏ ruộng muối về thành phố làm thuê, dễ và chắc ăn hơn.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, Việt Nam có một số lợi thế về sản xuất muối như: đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi… Nhưng do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu phương pháp công nghiệp, nên ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất. Bên cạnh đó, thu nhập thấp khiến diện tích sản xuất muối giảm xuống chỉ còn 11.000 hecta vào năm 2022, so với 13.160 hecta năm 2017.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, giới chuyên gia thấy rằng, cần phải sử dụng những công nghệ mới, sản xuất theo lối công nghiệp, mới tăng năng xuất và đảm bảo chất lượng. Song với thực trạng, diêm dân ăn còn không đủ, thì lấy đâu ra vốn để đầu tư. Hơn nữa, giá muối không cao lắm, đầu tư sẽ không hiệu quả.
Dư luận xã hội cho rằng, mỗi lãnh đạo Việt Nam, nếu có trách nhiệm, phải suy nghĩ điều mà Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói trước Quốc hội: “Một đất nước có biển như thế này, nắng như thế này, kinh nghiệm của nhân dân làm muối như thế này, mà vẫn phải nhập khẩu muối, tôi cảm thấy rất đau lòng”.
Đó là một trong muôn vàn những nghịch lý của Việt nam. Vậy mà, trong một thời gian dài, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, không quan tâm giải quyết. Để rồi tình trạng đó kéo dài trong vô vọng, diêm dân đã khổ càng khổ thêm.
Song, nghịch lý không xảy ra riêng với ngành sản xuất muối, mà lĩnh vực sản xuất nông sản của Việt Nam cũng tương tự, rất khó chen chân vào thị trường quốc tế, bởi đối thủ cạnh tranh là Thái lan và Trung quốc.
Một nghịch lý khác đối với ngành nông sản Việt Nam, xảy ra ngay tại thị trường nội địa. Đó là tình trạng, rau, củ, quả ế không bán được, thậm chí, nông dân phải đổ cả đống cho bò ăn, vậy mà, nông sản nhập khẩu lại tăng lên chóng mặt.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng gần đây, Việt Nam nhập khẩu nông sản tới 529 triệu USD, chủ yếu từ Trung Quốc và Thái Lan. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là, giá hàng hóa nhập khẩu rẻ và chất lượng hơn nông sản Việt.
Trong một nền kinh tế thị trường, nếu cái gì cũng đòi hỏi nhà nước bảo hộ là điều bất hợp lý. Nhưng vai trò định hướng và điều tiết, dứt khoát phải là vai trò của nhà nước, không ai có thể làm thay. Như Việt nam hiện nay, xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 thế giới, song gạo ngon, gạo tấm, vẫn phải nhập khẩu từ Ấn Độ hay Campuchia, là một ví dụ.
Ngoài nghịch lý muối và nông sản, Việt Nam còn đối mặt với nhiều nghịch lý khác như, là nước sản xuất than mà vẫn phải nhập than. Theo truyền thông Nhà nước loan tin ngày 15/8, dẫn thống kê của Tổng Cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7/2023, Việt Nam phải nhập gần 30 triệu tấn than, tăng hơn 10 triệu tấn, so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch nhập khẩu than bình quân mỗi năm, ước chừng hơn 4,3 tỷ USD.
Xử lý những nghịch lý nói trên không chỉ đòi hỏi trách nhiệm và trí tuệ của giới lãnh đạo, mà mỗi công dân Việt nam cũng cần tạo một ý thức, “người Việt nam dùng hàng Việt nam”. Điều đó sẽ giúp kích thích kinh tế Việt nam phát triển. Quan trọng hơn, đó là một cách thể hiện lòng yêu nước của người Việt nam. Đương nhiên, điều này sẽ trở thành hiện thực, dưới tiền đề là, hàng Việt Nam phải đạt chất lượng tương đương hàng hóa các nước khác./.
Vũ Anh – Thoibao.de