Mẹ Hồ Duy Hải mong con được về nhà 

Link Youtube: https://youtu.be/10_xRkSVAHw

 

Ngày 21/8, Luật sư Ngô Ngọc Trai có bài “Vụ Hồ Duy Hải: Bà Nguyễn Thị Loan mong con trai được về nhà lấy vợ, sinh con”, đăng trên một trang báo quốc tế tiếng Việt.

 

Theo đó, mới đây, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải, đã ra Hà Nội đến gặp Luật sư. Trong cuộc gặp gỡ này, bên cạnh những câu chuyện đau khổ của người mẹ kêu oan cho con, lần này, Luật sư và bà Loan bắt đầu nói về những chuyện khi mà Hồ Duy Hải được trả tự do.

 

Trong nhiều lần nói chuyện, bà Loan thường hay nhắc đến vụ ông Hàn Đức Long được minh oan, trả tự do, và mong ước sao con trai bà cũng được như vậy. Bà xót xa cho con trai bị mất tuổi xuân ở trong chốn lao tù, bà mong Luật sư giúp cho Hải sớm được trả tự do, để về nhà lấy vợ sinh con.

Luật sư cho rằng, một điều cần được làm rõ xung quanh vụ án Hồ Duy Hải, đó là, nhiều người nghĩ rằng phải tìm ra được hung thủ thật sự, thì mới mong được minh oan. Đây là nhận thức sai nhưng dễ khiến nhiều người tán đồng nhất trí.

Luật sư trình bày quy trình tố tụng như sau:

Đầu tiên, khi một vụ án mạng xảy ra, thì sẽ có một người hoặc một số người thuộc diện tình nghi bị điều tra, những người này sẽ bị áp dụng một số biện pháp điều tra được luật định.

Ví dụ như sẽ bị triệu tập thẩm vấn lấy lời khai, nghiêm trọng hơn thì sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt giam giữ, sau một quá trình thời hạn điều tra theo luật định, nếu không chứng minh được người này đã thực hiện hành vi phạm tội, thì khi đó, cơ quan tố tụng sẽ phải đình chỉ điều tra đối với người này, đồng nghĩa với việc kết luận họ không phải là thủ phạm.

Nếu trước đó đã bắt giam giữ thì phải trả tự do và bồi thường.

Trong trường hợp nghi phạm được đưa ra tòa xét xử và bị kết án có tội, sau đấy, theo những quy trình thủ tục tư pháp ở những cấp xét xử tiếp theo, mà hội đồng đưa ra nhận định đánh giá lại không đủ cơ sở căn cứ để kết tội người này, ví như cấp phúc thẩm thay đổi phán quyết của cấp sơ thẩm.

Hoặc cấp giám đốc thẩm thay đổi những phán quyết của cấp trước đó, thì khi đó, phải trả tự do, minh oan và xin lỗi công khai đối với người này, đó là quy trình của tố tụng hiện nay, mà ở Việt Nam hay các nước cũng đều thế.

Luật sư nhấn mạnh, trong trường hợp không đủ cơ sở căn cứ đánh giá kết tội một người, thì phải xác định người ta không có tội, việc này hoàn toàn không phụ thuộc vào việc đã bắt được thủ phạm đúng hay chưa.

Hình: Tử tù oan Hồ Duy Hải

 

Theo Luật sư, thực tế qua một số vụ án, chỉ thấy, khi người ta bắt được thủ phạm thực sự thì mới biết rằng, người đã bị kết án là oan sai, cho nên phải trả tự do và xin lỗi, ví như các vụ án của các ông Nguyễn Thành Chấn hay Huỳnh Văn Nén. Nhưng cũng có những vụ việc không tìm ra được thủ phạm, ví như vụ án của ông Hàn Đức Long.

Luật sư nhận định, vụ án của tử tù Hàn Đức Long là thuộc trường hợp minh oan trả tự do trong bối cảnh chưa tìm ra được thủ phạm thực sự, điều này mang ý nghĩa quan trọng hơn nhiều cho cộng đồng, trong mục đích thực thi nguyên tắc pháp lý.

Việc phải tìm ra được thủ phạm đúng, không nên tròng vào cổ của những người bị oan sai. Họ không nên bị ràng buộc vào thứ trách nhiệm vô cùng khó khăn phức tạp, như là việc tìm ra được thủ phạm đúng của vụ án.

Nếu cứ phải chờ đợi tìm ra được thủ phạm thực sự thì mới được minh oan, thì đó là cả một sự bất công và lo lắng khủng khiếp. Trong khi mọi người sẽ cảm thấy yên tâm an toàn hơn nhiều, nếu như sau quá trình điều tra không chứng minh được mình là thủ phạm, thì người ta sẽ phải xác định bản thân là người không phạm tội.

Vẫn theo Luật sư, trong vụ án Bưu điện Cầu Voi, chứng cứ cho thấy Hải không phải là thủ phạm, là dấu vân tay của Hải không trùng khớp với dấu vân tay thu được ở hiện trường. Đúng ra thì Hải phải được xác định không liên quan và được loại bỏ như nhiều người tình nghi khác.

 

Quang Minh – thoibao.de

>>> Có bao nhiêu công an là tội phạm?

>>> Trung Quốc dụ dỗ Việt Nam cùng duy trì lý tưởng Cộng sản

>>> Bong bóng VFS vỡ chỉ sau một ngày

>>> Liệu có còn tia hy vọng nào cho Nguyễn Văn Chưởng?

Cú ngã lớn của VinFast