Ngày 15/8 là ngày mà VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ. Đây là công ty Việt Nam đầu tiên làm được điều này. Nhưng hiện nay, VinFast đang lỗ, và điều đáng nói là lỗ ngày một tăng. Năm 2021, lỗ 1,3 tỷ đô la Mỹ, năm 2022, lỗ 2,1 tỷ đô la Mỹ và trong 3 tháng đầu năm 2023 lỗ đến 600 triệu đô la Mỹ. Nghĩa là, lò đốt tiền của VinFast như là một cơn cháy rừng, cháy càng ngày càng lan rộng.
Việc một công ty khởi nghiệp bị lỗ trong thời gian đầu là việc dễ hiểu, bởi họ đầu tư nhà xưởng, thuê nhân lực vv…. tất cả đều phải tốn tiền, trong lúc hàng hóa chưa bán được nhiều, nguồn thu chưa có. Tuy nhiên, dù lỗ cỡ nào thì cũng phải là doanh nghiệp được thị trường đón nhận. Khi đó, điểm hòa vốn mới xuất hiện, và từ đó, công ty mới phát triển dần.
Công ty Tesla cũng đốt tiền giai đoạn ban đầu, tuy nhiên, điểm khác giữa Tesla và VinFast, là xe Tesla từ khi mới ra đời đã được thị trường đón nhận. Đó là một tín hiệu để công ty khởi nghiệp thấy được đích đến, miễn sao kiên trì thì có ngày sẽ huy hoàng.
Ông Phạm Nhật Vượng cho phát hành 2,3 tỷ cổ phiếu với giá 22 USD/Cổ phiếu, ước tính vốn hóa của VinFast có thể đạt 50 tỷ USD. Đây chỉ mới chào bán ngày đầu tiên, cần có thời gian để xác định giá trị thật của doanh nghiệp. Nếu VinFast thuyết phục được thị trường chấp nhận sản phẩm, điểm hoà vốn hiện ra trước mắt, thì giá cổ phiếu của VinFast có thể tăng theo thời gian, nếu không thì sau đó giá cổ phiếu lại giảm.
Việc lô hàng đầu tiên xuất sang Mỹ đã bị lỗi, và sau đó là liên tục những tờ báo Mỹ chê xe VinFast, là một cản trở rất lớn trên con đường xây dựng thương hiệu. Điều đáng nói là dịch vụ hậu mãi của VinFast vẫn như là con số không, nếu khách hàng mua VinFast mà có trục trặc kỹ thuật, thì họ tìm đâu ra nơi để sửa chữa đây?
Giá cổ phiếu phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Có người cho rằng, VinFast là công ty khởi nghiệp có ưu thế hơn rất nhiều công ty khởi nghiệp khác. Nó được VinGroup hậu thuẫn bằng nguồn tiền khủng thu được từ kinh doanh đất đai bao năm qua. Năm nay, chính ông Phạm Nhật Vượng cũng đã hứa trích 1 tỷ đô la trong khối tài sản của ông để tặng cho VinFast, và Vinhomes cũng sẽ hỗ trợ VinFast đến 2,5 tỷ đô la Mỹ, để bổ sung nguồn vốn cho VinFast. Nhưng những hỗ trợ này cũng chỉ đảm bảo cho VinFast kéo dài thời gian tồn tại, chứ không thể giúp VinFast hòa vốn. Việc hòa vốn liên quan đến sự chấp nhận của thị trường đối với xe VinFast.
Giá trị vốn hóa của VinFast cũng như là chuyện “đếm cua trong lỗ”. Cứ thấy có lỗ là nghĩ trong đó sẽ có cua và mình sẽ bắt được nó. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng lỗ không có cua rất nhiều, và chỉ khi nào thò tay vào bắt mới biết là có cua hay không? Hiện giá cổ phiếu là 22 USD/cổ phiếu nhưng rồi sau này nó sẽ có giá bao nhiêu vẫn chưa rõ. Giá cổ phiếu VFS tăng hay không nó phụ thuộc vào điểm hòa vốn trên thị trường. Nếu không khắc phục được lỗi cố hữu và không thuyết phục được người Mỹ chấp nhận sản phẩm.
Sau khi VinFast IPO thì vẫn còn phải chờ thời gian. Bởi sau những ồn ào ban đầu, cổ phiếu mới dần đến với giá trị ổn định thể hiện đúng quy luật cung cầu, và đó mới là giá trị thật của VinFast. Thị trường xe ô tô điện của Mỹ rất rộng lớn, và là thị trường có thể nuôi sống rất nhiều đại gia ngành ô tô trên thế giới. Tuy nhiên, đây được xem là thị trường khó tính, chứ không dễ dãi như thị trường Việt Nam.
Hiện nay, xe Trung Quốc vẫn chưa thể bén rễ trên thị trường Mỹ, bởi chất lượng xe Trung Quốc vẫn còn khoảng cách lớn với các hãng xe khác. Mới đây, VinFast bị lộ về việc treo đầu dê bán thịt chó, sản phẩm quảng cáo do Tây thiết kế nhưng thực chất lại của Tàu, thì rõ ràng, đấy là bất lợi rất lớn đối với VinFast khi ra sân chơi lớn.
Thu Phương – (Tổng hợp)