Link Video: https://youtu.be/tPZ_HDb5C3s
Ngày 9/8, một trang truyền thông quốc tế tiếng Việt có bài phỏng vấn Luật sư Lê Văn Hòa, người nắm rõ những điểm có thể chứng minh ông Chưởng bị kết án oan.
Luật sư Hòa từng là Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương, và là người trực tiếp được giao nhiệm vụ xem xét lại đơn kêu oan về vụ án của ông Nguyễn Văn Chưởng, trong giai đoạn 2013 – 2014. Sau đó, ông Hòa có thời gian làm luật sư tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh kêu oan cho con.
Luật sư Hòa cho biết, ông căn cứ vào nhân chứng, vật chứng, tang chứng, từ hồ sơ vụ án và một số nguồn từ các nhà báo, để khẳng định vụ án Nguyễn Văn Chưởng là oan sai rất rõ ràng.
Thứ nhất, lời khai của các bị cáo và một số nhân chứng thể hiện rất nhiều mâu thuẫn, không đủ cơ sở kết luận Chưởng là chủ mưu. Nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng của vụ án này đã không làm rõ.
Họ chỉ dựa vào lời khai đầy mâu thuẫn của Vũ Toàn Trung, là một trong 3 bị cáo của vụ án, cũng là một con nghiện heroin rất nặng, và lời khai của Nguyễn Thị Lan Phương, là người yêu của Vũ Toàn Trung, để buộc tội Chưởng.
Có lúc, Vũ Toàn Trung khai “hôm nay tôi mới nói thật”, như vậy, lấy cơ sở nào để kết luận, lời khai nào, trong rất nhiều lời khai của Vũ Toàn Trung, là thật?
Chưởng khẳng định, trong buổi tối xảy ra vụ án (14/7/2007), Chưởng không có mặt tại hiện trường. Tại thời điểm đó, Chưởng đang về thăm nhà và gặp gỡ một số người bạn tại quê của Chưởng, ở xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, cách hiện trường vụ án gần 40 kilomet.
Theo hồ sơ, vụ án xảy ra vào tầm 21h ngày 14/7/2007, lúc này trời mưa rất to. Nhưng đến tầm 15h30 phút ngày hôm sau, 15/7/2007, Cơ quan Điều tra mới tổ chức khám nghiệm hiện trường. Luật sư nhận xét, đây là một vi phạm rất nghiêm trọng, vì mười mấy tiếng đồng hồ sau, trong khi trời mưa, thì làm sao còn dấu vết. Những dấu vết quan trọng chắc chắn bị mất đi. Hoặc có thể, những vật chứng tại hiện trường cũng bị xáo trộn, cũng bị thất lạc.
Thứ hai, theo Luật sư Hòa, công tác thu giữ vật chứng của vụ án cũng rất tùy tiện. Vật chứng đầu tiên là áo mưa, áo cảnh sát và dép của nạn nhân được Thượng sĩ Phạm Ngọc Quang, Công an phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng, người đến hiện trường đầu tiên, đem gửi ở phòng bảo vệ của Công ty New Hope ngay cạnh hiện trường vụ án. Vật chứng thứ hai là điện thoại di động và khẩu súng ngắn K59 với băng đạn còn 1 viên của Thiếu tá Sinh, lại được giao Phạm Ngọc Quang lại mang đi đâu không rõ. Đến hơn 1h ngày 15/7/2007 mới được lập biên bản thu giữ, đến 17h cùng ngày mới làm thủ tục niêm phong.
Thứ ba, căn cứ vào các dấu vết để lại trên áo và thi thể của nạn nhân Nguyễn Văn Sinh, không thể nói rằng, nạn nhân chỉ bị tấn công, bị tác động tại hiện trường, mà có thể bị tấn công trước đó tại một địa điểm khác. Luật sư đặt nghi vấn rằng, nơi thiếu tá Sinh bị giết chết, chưa hẳn đã là hiện trường chính của vụ án theo hồ sơ.
Bản giám định pháp y của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, kết luận các vết hằn, xây xát trên da ở vùng thắt lưng của nạn nhân là do vật cứng có cạnh tiếp xúc dài, hẹp, gây ra. Ngoài ra còn có các tổn thương tụ máu ở vùng thắt lưng hai bên, do vật tày gây nên.
Nhưng căn cứ vào lời khai mâu thuẫn, căn cứ vào hành vi, hung khí và dấu vết trên cơ thể nạn nhân, thì hoàn toàn không phù hợp và cũng không được thực nghiệm, điều tra, làm rõ. Vì các cơ quan tố tụng kết luận, hung khí của nhóm Chưởng là dao, kiếm, chứ hoàn toàn không có vật tày. Vậy, biết đâu, trước khi bị chém bằng dao, kiếm, nạn nhân Nguyễn Văn Sinh có thể đã bị tấn công bằng vật tày ở địa điểm khác.
Theo hồ sơ vụ án, sau khi bị chém, anh Sinh dùng súng bắn chỉ thiên 3 phát. Luật sư đặt vấn đề là, tại sao anh Sinh không bắn thẳng vào người, hoặc vào chân, để bắt sống đối tượng tấn công mình, vì lúc ấy anh đang thi hành nhiệm vụ, luật hoàn toàn cho phép. Thêm nữa, Cơ quan điều tra không làm rõ dấu vân tay trên cò khẩu súng của anh Sinh, có phải là dấu vân tay của thiếu tá Nguyễn Văn Sinh không, hay là của người khác?
Một vấn đề nữa, Luật sư Hòa cho biết, ban đầu Chưởng bị bắt giữ vì thiếu giấy tờ sau khi kiểm tra hành chính vào rạng sáng 3/8/2007. Sau đó mới chuyển sang giam giữ vì nghi tham gia giết người.
Ngày 4/8/2007, em trai của Nguyễn Văn Chưởng là Nguyễn Trọng Đoàn, xin được xác nhận của một số nhân chứng khẳng định họ đã gặp Chưởng trong buổi tối ngày 14/7/2007 tại quê ở Hải Dương, tức là Chưởng không có mặt ở hiện trường vụ án.
Ngày 10/8/2007, Đoàn cầm đơn khiếu nại của mẹ mình và các giấy xác nhận của khoảng 7 nhân chứng đem nộp cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an Hải Phòng, thì bị bắt khẩn cấp luôn về tội che giấu tội phạm.
Luật sư cho rằng, việc bắt khẩn cấp Đoàn là rất nghiêm trọng. Nếu như vụ án Nguyễn Văn Chưởng được lật lại, thì cũng phải làm rõ, việc Cơ quan Điều tra Công an Hải Phòng bắt Nguyễn Trọng Đoàn, em ruột của Nguyễn Văn Chưởng, là đúng hay sai. Nguyễn Trọng Đoàn cũng rất oan ức.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các luật sư bào chữa cho Chưởng đã đề nghị Hội đồng Xét xử cho mời các nhân chứng xác nhận ngoại phạm cho Chưởng đến tòa để làm rõ, nhưng không được chấp nhận.
Ý Nhi
>>> “Báo chí Cách mạng” chiến đấu hết mình vì Đảng, nhưng im lặng trước việc tử hình oan
>>> Đức từ chối tất cả đơn xin dẫn độ về Việt Nam, sau vụ Trịnh Xuân Thanh
>>> Tình trạng “tiêu chuẩn kép” trong ngành tư pháp Việt Nam
>>> Hết “lùa gà” giờ Hoài Linh lại bẫy chim
Cần áp dụng đúng luật để minh oan cho các tử tù bị oan sai