Thông cáo báo chí của tổ chức Phóng viên Không Biên giới: Phá vỡ việc chặn trang web tờ TAZ của Đức tại Việt Nam

Ảnh chụp màn hình trang nhất nhật báo TAZ của Đức ra ngày 7-8-2023 tường thuật về nguy cơ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn có thể bị bắt cóc tại Đức, ngay sau đó tờ TAZ đã bị chặn tại Việt Nam.

Nhà cầm quyền Việt Nam rõ ràng đã chặn trang web nhật báo TAZ của Đức. Theo nguồn tin của tờ báo này và qua sự xác minh của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), trang web của tờ taz.de hiện không thể truy cập tại Việt Nam, sau khi đăng bài báo điều tra về nguy cơ một vụ bắt cóc công dân Việt Nam (bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn) có thể sẽ xảy ra tại Đức do mật vụ Việt Nam thực hiện.

Để chống lại sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền, RSF đang làm cho trang web của tờ TAZ có thể truy cập trở lại thông qua Dự án Collateral Freedom.

Nhà cầm quyền Việt Nam hành động một cách có hệ thống chống lại các bài báo trong và ngoài nước phê bình chế độ, và sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để thực hiện“, bà Helene Hahn – trưởng bộ phận tự do internet của RSF phát biểu. “Chúng tôi cực lực lên án việc chặn tờ TAZ. Rõ ràng chế độ Hà Nội sợ các bài báo điều tra phản biện. Chúng tôi phá vỡ việc chặn trang báo này và độc giả ở Việt Nam có thể truy cập nó trở lại.”

Tờ báo này đưa tin hôm thứ Tư (9/8) rằng tại Việt Nam trang web của họ chỉ có thể truy cập bằng phần mềm đặc biệt để vượt qua kiểm duyệt, chẳng hạn như VPN. Theo thông tin của RSF, nếu không có phần mềm như vậy, kết nối với trang web sẽ bị từ chối và không thể truy cập.

Với Dự án Collateral Freedom, RSF hỗ trợ các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới mà bị chặn. RSF phá vỡ sự kiểm duyệt của nhà nước bằng cách tạo một bản sao chính xác cũng như một tấm gương phản chiếu (“Mirror”) của trang web truyền thông bị chặn. Bản sao này được đặt trên các máy chủ quốc tế hoặc Mạng Phân phối Nội dung (CDN). CDN cũng lưu trữ nhiều dịch vụ khác và do đó không thể dễ dàng bị chặn. Một khi các chính phủ độc tài tấn công trực tiếp vào CDN, thì họ cũng chặn sự truy cập của chính họ vào tất cả các dịch vụ khác do CDN cung cấp. Mối đe dọa về các thiệt hại kinh tế liên quan sẽ ngăn cản nhà cầm quyền thực hiện bước quyết liệt tiếp theo.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà cầm quyền Việt Nam hạn chế các phương tiện truyền thông và nhà báo phê bình chế độ có trụ sở tại Đức. Đầu năm 2018, RSF đã đưa tin rằng các bài đăng trên Facebook của các blogger Việt Nam ở nước ngoài đã bị xóa với cáo buộc gán ghép là vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng. Tổ chức RSF cho rằng lý do thật sự là vì chính trị.

Vào tháng 10 năm 2020, bốn bài đăng trên Facebook của nhà báo Lê Trung Khoa cũng bị chặn ở Việt Nam “do các hạn chế pháp lý của địa phương”. Trong đó có đăng các liên kết (đường link) dẫn đến các bài báo tiếng Đức chỉ trích chính phủ Việt Nam của các phương tiện truyền thông Đức bao gồm cả trang Phóng viên Không Biên giới của Đức. Lê Trung Khoa điều hành trang web tin tức Đức-Việt thoibao.de có trụ sở tại Berlin.

Hồi cuối năm ngoái, một công ty xa lạ (không tiếng tăm) đã tuyên bố bản quyền đối với các video do thoibao.de sản xuất trên Facebook. Do đó, doanh thu quảng cáo từ các video bị Facebook chuyển đến công ty này thay vì Thời Báo. (Một thời gian dài sau đó Facebook đã giải quyết vụ này). RSF cũng chỉ trích phản ứng chậm chạp của Facebook hồi đó.

Với ít nhất 41 nhà báo bị cầm tù, Việt Nam hiện đứng thứ ba, chỉ trên Trung Quốc và Myamar, trong danh sách các quốc gia có nhiều nhà báo bị cầm tù nhất vì công việc của họ.

Một “đội quân mạng” khoảng 10.000 người dưới sự chỉ huy của Bộ Công an chuyên truy tìm các “vi phạm” và “thế lực phản động” trên mạng xã hội – tức là tất cả các lực lượng đối lập với chính phủ Việt Nam. RSF coi cái gọi là “Lực lượng 47” này là một trong những kẻ thù lớn nhất của Internet.

Trong Chỉ số Tự do Báo chí năm nay, Việt Nam tụt bốn bậc, xuống hạng 178 trên 180 quốc gia.

Thông cáo báo chí của Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF hôm 11.08.2023 về việc nhà cầm quyền tại Việt Nam chặn trang báo Đức Taz.de

Nguồn: https://www.reporter-ohne-grenzen.de/pressemitteilungen/meldung/rsf-entsperrt-seite-der-taz

Hiếu Bá Linh (Biên dịch)