Nếu nói, thành phần tham nhũng xem tiền ngân sách và tiền của nhân dân là mồi ngon, thì thành phần chạy án xem túi tiền của bọn tham nhũng bị tóm là mồi ngon, còn Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chống tham nhũng thì xem túi tiền của quan tham chưa bị lộ là mồi ngon. Ở đất nước này, không có chuyện một cơ quan nào đó có quan chức trong sạch, kể cả quan chức trong cơ quan chống tham nhũng.
Lò của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ lôi ra được một phần ít quan tham mà thôi. Những quan bị lộ được xem như là “xui xẻo”, bởi còn đó rất đông những người chưa bị lộ, hoặc không bị lộ. Việc bắt bớ, bỏ tù trong các vụ án tham nhũng, bắt đầu từ những người moi tiền nhà nước hoặc móc túi tiền dân. Khi những quan chức này bị điều tra, thì bộ máy chạy án vào cuộc để kiếm tiền. Chế độ này rất nhiều cấp chạy, quan trọng là có đủ tiền và biết đường chạy hay không mà thôi.
Khi mới bị bắt là chạy ở cơ quan điều tra, để làm sai lệch hồ sơ. Khi ra tòa thì chạy bên viện kiểm sát, để họ không moi móc sâu vấn đề, và chạy bên tòa án để tòa tuyên hình phạt nhẹ hơn. Một vị đại gia bị bắt và bị giam giữ, phía công an, phía tòa án và phía viện kiểm sát, cần phải kéo dài thời gian giam giữ, để bộ máy chạy án gặm nhấm vào túi tiền của các vị đại gia đấy càng lâu càng tốt. Đấy là một trong những chiêu trò của chính quyền, để ăn tiền chạy án. Những vụ án tưởng chừng như đơn giản, nhưng họ cứ gia hạn tạm giam hết lần này đến lần khác, để có cơ hội ăn tiền chạy án của đại gia ấy lâu hơn.
Làm việc trong cơ quan tố tụng mà không tham gia đường dây chạy án, thì không bao giờ giàu. Mà tham gia càng quy mô, thì càng khó bị lộ, bởi trong liên minh đấy, họ bao che cho nhau, họ bảo vệ cho nhau tới cùng. Bởi chỉ cần một mắt xích bị khui, thì cả đường dây có nguy cơ bị lộ.
Nếu nói trong ngành công an có trò nuôi án, thì trong lĩnh vực chạy án cũng có trò tương tự. Đấy là tìm cách kéo dài thời gian điều tra và thời gian tạm giam, để giở trò với bị can. Có cơ hội là họ làm án và ngã giá với bên bị can. Nếu trò nuôi án sẽ làm cho tội phạm lớn mạnh, thì việc đường dây chạy án kéo dài và cù nhầy với bên bị cáo, cũng là cách làm cho bộ máy chạy án có cơ hội ăn đậm hơn.
Vụ án chuyến bay giải cứu chỉ có 54 bị cáo, mà có đến 120 luật sư bào chữa. Thực chất, không phải luật sư nào cũng dùng để cãi, mà trong đó, phần cãi chỉ là cách làm hợp thức hóa việc chạy án mà thôi. Nếu là phiên tòa minh bạch, phần luật sư bào chữa và lời khai của bị cáo trước tòa là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, rất nhiều luật sư và bị cáo trong phiên tòa chuyến bay giải cứu trình bày trước tòa rất buồn cười, họ cứ như là những đứa trẻ con vậy. Thực chất, những lời cãi của luật sư và những câu nói ngây ngô của bị cáo, chỉ là đóng kịch cho tròn vai trong phiên tòa. Án thật sự được ngã giá đằng sau phiên tòa đấy, bởi đường dây chạy án.
Phiên tòa chuyến bay giải cứu là cơ hội béo bở cho các đường dây chạy án khủng. Sắp tới, phiên tòa xét xử vụ án Việt Á cũng tương tự, cũng là cơ hội lớn cho những đường dây chạy án hốt bạc. Đó là thực tế, câu chuyện này được người trong cuộc kể, tuy nhiên, đấy là những chuyện không thể công khai được, đặc biệt là tên tuổi những người cung cấp thông tin.
Công lý vốn là đi tìm sự thật và sự công bằng, tuy nhiên, công lý ở Việt Nam là món hàng được buôn bán ở “chợ đen”, không công khai nhưng rất sôi động. Ông Nguyễn Phú Trọng lập lò đốn củi chỉ là bề nổi, còn lại phần chìm là thị trường chạy án rất phát đạt, kể từ khi ông Tổng Bí thư quét mạnh bọn tham nhũng.
Thu Phương (Tổng hợp)