Hệ thống doanh nghiệp nhà nước được hưởng bao nhiêu chế độ ưu đãi, nhưng hoạt động luôn bết bát. Trong các hãng hàng không của Việt Nam, thì Vietnam Airlines là hãng hàng không được nhiều ưu tiên nhất. Tuy nhiên, cho tới nay, Vietnam Airlines là hãng bay bết bát nhất, bất chấp bao nhiêu lần được Chính phủ giải cứu.
Có nhiều ưu ái cho Vietnam Airlines, kể cả những ưu ái rất lộ liễu, như dàn lãnh đạo hãng bay này đã điều máy bay để thực hiện các chuyến bay giải cứu, và chính hãng đưa ra mức giá vé phi lý, để hút máu những đồng bào đang khốn đốn vì bị kẹt ở nước ngoài do dịch Covid.
Vụ chuyến bay giải cứu đang được xét xử, với 18 án được đề nghị ở khung cao nhất có án tử hình. Ngoài ra còn có nhiều án khác, mà nếu kết thúc phiên xét xử, ắt hẳn trong đó có nhiều án nặng.
Không những lãnh đạo Vietnam Airlines được ưu tiên ẩn nấp tại vùng cấm trong vụ chuyến bay giải cứu, mà trong vụ vận chuyển ma túy mới đây, nhân viên hãng bay này được thả một cách khó hiểu, trong khi đó, tang chứng vật chứng đã rành rành. Những dấu hiệu này cho thấy, dường như Vietnam Airlines là vùng cấm không ai dám động vào.
Vietnam Airlines phạm đủ thứ tội mà không bị truy cứu, thì rõ ràng, hãng bay này chẳng khác gì “cậu ấm, cô chiêu” của Đảng. Đảng là cha mẹ của Vietnam Airlines và đang bảo bọc cho đứa con hư này một cách mù quáng. Những đứa con hư thì thường hay phá hoại, rồi sau đó khóc lóc xin bảo bọc. Thật sự, Vietnam Airlines đang cư xử y hệt như vậy.
Ngày 11/7, báo chí trong nước dẫn lời Chủ tịch Vietnam Airlines – Đặng Ngọc Hòa – nói rằng: “Chi phí vận hành rất cao, nhưng giá vé máy bay như vé mùa hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây. Các hãng hàng không đang rất khó khăn. Theo tôi được biết, một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã báo cáo Chính phủ, xin bảo hộ phá sản”.
Ý của ông Đặng Ngọc Hòa ám chỉ một hãng hàng không nào đấy, không biết là hãng nào. Tuy nhiên, một hãng hàng không tư nhân mà cầu cứu Chính phủ, thì e là réo không đúng đối tượng, bởi các hãng hàng không tư nhân không được dùng vốn nhà nước.
Vậy “bảo hộ phá sản” là gì? Bảo hộ phá sản là doanh nghiệp nộp đơn lên tòa án để xin phép được hoãn thanh toán nợ, để tái cơ cấu. Đây là luật mà Mỹ có quy định hẳn hoi, tòa án xem xét hồ sơ, nếu doanh nghiệp có khả năng trả nợ khi tái cơ cấu, thì họ có thể được bảo hộ. Còn những doanh nghiệp nào bị đánh giá là “hết thuốc chữa”, thì sẽ bị bác đơn.
Tại Việt Nam chưa có luật quy định về bảo hộ phá sản, nên sẽ không có phiên tòa nào phán quyết về việc doanh nghiệp có được bảo hộ phá sản hay không.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp nhà nước thì lại có thể được, ở đây không phải do tòa phán quyết, mà do Chính phủ ra quyết định đối với đứa con cưng của mình – doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ là cha, doanh nghiệp quốc doanh là con. Khi con hấp hối réo cha thì làm sao cha không cứu? Đó là phần lợi ích rất lớn mà doanh nghiệp nhà nước được hưởng, còn doanh nghiệp tư nhân không được.
Giả sử, nếu kẻ réo Chính phủ cứu là Vietnam Airlines, thì khi đó, hãng bay này sẽ được hoãn trả nợ và được “tái cơ cấu”. Nói là tái cơ cấu chứ thực ra là kéo dài thời gian, để Chính phủ ra tay cứu lấy ông doanh nghiệp ăn hại này mà thôi. Mà đã là đứa con hư, gây nợ rồi cầu cứu, thì sau khi cứu rồi nó lại gây nợ tiếp, đó là vòng luẩn quẩn không cách nào thoát ra được. Cứ thế mà doanh nghiệp này phá hoại nền kinh tế, hút máu dân để tồn tại thôi.
Hiện nay, Vietnam Airlines là đơn vị chịu trách nhiệm đưa quan chức chính quyền đi công du trong và ngoài nước. Hãng này được xem là đôi chân của Đảng, thì chẳng lẽ Đảng nỡ cắt đôi chân của mình? Và Vietnam Airlines biết như vậy, nên họ cứ làm mọi cách để được Chính phủ ra tay hết lần này đến lần khác.
Ở Việt Nam không có sự công bằng nào cả. Con quan khác hoàn toàn con dân. Đối với doanh nghiệp cũng y như thế, là đứa con của Đảng thì được ưu ái trăm bề. Còn doanh nghiệp tư nhân thì khổ sở trăm bề, trong đó có việc phải trích lợi nhuận ra để bôi trơn cho bộ máy chính quyền, thì mới được yên ổn làm ăn.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: