Mùa thi nào cảnh sát giao thông cũng biết được thí sinh nào ngủ trễ, để đến tận nhà đón đi thi. Mùa thi nào cũng có cảnh cảnh sát giao thông chở học sinh gãy tay đến phòng thi. Thậm chí, có trường hợp cảnh sát chuyển cả băng ca cứu thương đến phòng thi, để bệnh nhân được dự thi. Có lẽ, không cần phải là người có óc phân tích mới nhận ra những trò diễn kịch kệch cỡm, bên trong những kịch bản này. Kỳ thi năm nay đã kết thúc, rồi sang năm, vở kịch ấy lại lặp lại. Không phải người dân dự đoán, mà là người dân xác quyết như vậy, bởi màn kịch này nó lặp đi lặp lại quá nhiều lần.
Thời ông Tô Lâm làm Bộ trưởng, những trò hề này lại có dịp nở rộ. Mà khi công an diễn kịch nhiều, thì điều đấy cũng đồng nghĩa với việc, công an đang làm mất đi hình ảnh của chính mình, họ ác hơn, họ cửa quyền hơn, họ xem thường dân hơn và họ chà đạp luật pháp nhiều hơn. Nếu có chính nghĩa thì chỉ cần sống đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật, và làm đúng trách nhiệm, là tự khắc có uy tín trước dân mà thôi.
Công an vì dân không phải là những hành động chở dân đi thi tốt nghiệp, là hành động xắn tay áo gặt lúa giúp dân vv… mà chỉ cần công an làm đúng những gì pháp luật quy định là được. Không được bắt người bừa bãi, không bức cung nhục hình, phải thực hiện đúng quy trình tố tụng hình sự, biết tôn trọng quyền công dân, thì đấy chính là vì dân, chứ đâu phải làm thay dân thì mới là vì dân? Chẳng lẽ, thấy dân nấu ăn vất vả, công an nhảy vào bếp làm thay thì là vì dân sao? Hành động như thế cho thấy, sự hiểu biết của cả ngành công an bị méo mó đi quá nhiều.
Chiến dịch diễn kịch hằng năm để lấy hình ảnh quảng bá ấy nó nói lên tư duy của người đứng đầu ngành công an. Ông Tô Lâm với cấp hàm Đại tướng, với học vị tiến sĩ, với học hàm là giáo sư, nhưng thực tế, ông không thể thoát được vỏ ốc “võ biền” mà ông đã khoác lên người bao lâu nay. Ông chỉ biết bắt người theo lệnh miệng, ông không hề biết việc bắt người của ông có vi phạm luật pháp quốc tế hay không, có vi phạm luật pháp nước khác hay không?
Với một ông Bộ trưởng mà thích ăn thịt bò dát vàng, đưa quân ra nước ngoài bắt cóc, thì không thể là con người biết thượng tôn pháp luật. Mà liệu rằng, một người đứng đầu ngành không biết thượng tôn pháp luật, thì lính có biết thượng tôn pháp luật hay không? Chắc chắn là không.
Bởi pháp luật là ranh giới, chính pháp luật sẽ trừng trị kẻ xấu và bảo vệ người tốt. Chỉ cần thượng tôn pháp luật là đời sống người dân được yên ổn, còn đạp lên luật pháp thì xã hội sẽ rất ngột ngạt, bởi kẻ phạm tội thì nhởn nhơ mà người ngay thẳng thì bị hàm oan.
Khi ngành công an quyết dựng kịch để lừa gạt lòng tin toàn dân, thì điều đó cũng có nghĩa là ngành này không có thiện chí vì dân, thực sự theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Với chủ thuyết bạo lực Cách mạng, thì người dân Việt Nam cũng đừng hy vọng một ngành công an biết thượng tôn pháp luật. Với khẩu hiệu “còn Đảng còn mình”, thì mãi mãi không có một ngành công an biết thượng tôn pháp luật. Đó là điều chắc chắn.
Khi công an càng diễn kịch nhiều, thì chắc chắn, khi đấy họ muốn che đậy những vấn đề của họ, những vấn đề đã gây ra biết bao oán thán cho dân, gây hoảng sợ cho dân. Khi công an dựng kịch càng nhiều, thì điều đó đồng nghĩa với việc, dân phải chuẩn bị đón nhận những đòn mạnh giáng xuống. Bản chất của Đảng Cộng sản là thế, họ càng mị dân thì họ càng ác với dân.
Đảng Cộng sản thành công nhờ bạo lực Cách mạng, thì họ cũng chỉ biết dựa vào bạo lực để duy trì vị thế cầm quyền của họ. Họ không đủ uy tín để dân tin tưởng, nếu không che đậy, thì không bao giờ họ có chỗ đứng trong lòng dân được.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)