Link Video: https://youtu.be/aeS8tIOyfCs
Ngày 14/6, trên trang Facebook cá nhân của mình, nhà báo Trương Huy San đăng bài “Không chỉ [những] người Thượng [sử dụng bạo lực] có lỗi”.
Nhà báo nhận xét, bạo loạn có tổ chức, có vũ trang, lên tới hàng trăm người, mà khi xảy ra, vẫn để bị bất ngờ, là một thất bại về an ninh, tình báo. Đặc biệt, là thất bại của, cái mà chúng ta thường nghe, “thế trận an ninh nhân dân”. Tuy nhiên, nếu coi sự kiện này là lý do phình thêm bộ máy an ninh, thì lại có nguy cơ thất bại nữa.
Nhà báo cho rằng, “ngã” ở đâu thì phải đứng dậy ở đó; đánh mất dân thì phải nỗ lực lấy lại từ dân.
Một trí thức có gia đình sống nhiều chục năm ở Tây Nguyên nhận xét rằng, “Sau sự kiện “nhà nước Đề Ga 2003”, giao thông, điện, y tế rất được nhà nước quan tâm, cuộc sống của người dân Tây Nguyên thay đổi vượt bậc. Nhưng, đất đai vẫn là một vấn đề lớn”. Theo ông, “ở một số buôn làng, đồng bào bán hết đất cho người Kinh, thậm chí không còn đất để địa táng theo truyền thống cha ông họ”.
Nhà báo nêu thực tế, đồng bào phá rừng, nếu mà ngăn họ thì họ không còn kế sinh nhai. “Tao đói, cán bộ có cho tao ăn ko?”. Nhưng, nếu làm ngơ, thì họ phá rừng, làm rẫy thuần thục tầm 5 năm, bán cho người Kinh, rồi lại tìm khoảng rừng mới, phá tiếp… Cứ thế, đồng bào các dân tộc lùi sâu, lùi sâu…
Nếu bỏ qua yếu tố văn hóa và lịch sử, chúng ta sẽ thấy thật vô lý, tại sao sau khi đã xài hết tiền bán đất, “đồng bào” lại đổ lỗi, “Do người Kinh nên tụi tao mới khó khăn”.
Nhưng, nhà báo nhấn mạnh, Tây Nguyên ngày xưa là “vùng người thượng”. Kể từ khi Tây Nguyên nằm trong ranh giới quốc gia Việt Nam, Tây Nguyên trở thành “vùng kinh tế mới của người Kinh”. Ngày xưa, Tây Nguyên không chỉ là một lãnh địa mà còn là một thế lực. Họ sử dụng gỗ, ngà voi, sừng tê, kỳ nam, mật ong… để đổi lấy muối, gạo, vải vóc… và “nói chuyện phải quấy” với người Kinh.
Ngày nay, cùng khai thác những lâm sản ấy, người Kinh có lợi thế hơn nhiều. Người Kinh phá rừng đại ngàn bằng máy móc, vận chuyển gỗ và các sản vật quý hiếm bằng xe cộ… Người Kinh ở Tây Nguyên tự giao du với người Kinh ở miền xuôi. Người Thượng không còn công cụ và cơ hội để “nói chuyện” với người Kinh nữa. Không gian sống tại chỗ của họ bị thu hẹp, cơ hội ảnh hưởng ra ngoài không còn.
Cả người Thượng và hơn 50 dân tộc thiểu số khác, luôn thua kém người Kinh cơ hội tiếp cận kinh tế, văn hóa cũng như chính trị.
Nhà báo bình luận, sự kiện những người dân bản địa sử dụng bạo lực ngày 11/6 ở Tây Nguyên, mang màu sắc xung đột sắc tộc, văn hóa [bao gồm tôn giáo]. Nó vừa gây tội ác, nhưng cũng chứa đựng những ẩn ức của những người cảm thấy bị thua thiệt trong mọi phương diện, bị dồn nén trong không chỉ một thế hệ. Việc tháo gỡ, vì thế, chỉ bạo lực cũng sai, chỉ tiền bạc cũng sai mà chỉ đối phó, sách lược cũng sai.
Không thể cấm người dân tộc bán đất cho người Kinh hay cấm người Kinh mua đất của người dân tộc, vì làm như thế là tước bớt quyền về tài sản của người dân tộc. Nhưng cũng không để quyền này phá vỡ các không gian sinh tồn của người dân tộc.
Nhà báo nhận xét, đồng bào các dân tộc mạnh hơn khi họ sống trong một cộng đồng. Cộng đồng cần một “không gian sinh tồn”. Và, theo kinh nghiệm từ nhiều cộng đồng thiểu số trên thế giới, hành động tập thể thường có kết quả bảo vệ “không gian sinh tồn” tốt hơn những nỗ lực cá nhân.
Nhà báo đề xuất, nên xác lập sở hữu cộng đồng về tài nguyên kể cả đất, rừng, nước, thuỷ sản, khoáng sản… trong “không gian sinh tồn” đó cho các cộng đồng dân tộc. Bằng cách này, vừa bảo vệ được “không gian sinh tồn” đặc thù vừa không hạn chế quyền tìm kiếm cơ hội khác, như mua đất, làm ăn… riêng lẻ, bên cạnh người Kinh của người dân tộc.
Nên thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận với tri thức bằng cách thiết lập chế độ giáo dục song ngữ, tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ.
Đừng nghĩ đồng bào các dân tộc đương nhiên có nghĩa vụ biết ơn, khi người Kinh đặt không gian sinh tồn của họ vào phần “bờ cõi” mà người Kinh “mở mang”. Đúng là họ chưa từng “độc lập” với tư cách một quốc gia. Nhưng ở trong quốc gia ấy, nếu người thiểu số “lép vế”, vừa phải chia sẻ với người Kinh không gian sinh tồn của mình, vừa không có cơ hội ngang bằng với người Kinh khi muốn vươn ra, nếu họ có coi người Kinh như thực dân chúng ta cũng không nên trách họ.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nghệ an xâm chiếm Trung ương và “nhuộm vàng” một số tỉnh
>>> Bộ Công an Việt Nam, “thùng rỗng kêu to”
>>> Tạo cơ chế lợi Đảng hại dân, một đặc sản của chế độ Cộng sản!
>>> Chính quyền “chơi bẩn”, dùng 331 tấn công 3 luật sư bào chữa Tịnh Thất Bồng Lai
Việt Nam bất lực trước sự hung hăng của Trung Quốc