Thêm một người bất đồng chính kiến phải ra tòa

Link Video: https://youtu.be/Z9Qz3Lbb1Vk

Ngày 5/6, RFA Tiếng Việt loan tin, “Việt Nam lạm dụng điều luật để kết tội người kêu gọi đổi mới”.

Theo đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế hôm 5/6 đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho thầy giáo Đặng Đăng Phước, người theo dự kiến sẽ ra toà vào ngày 6/6, với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.

RFA cho biết, trong thông cáo báo chí, ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của Theo dõi Nhân quyền, được trích lời nói rằng:

Chính phủ Việt Nam đang tận dụng điều luật lạm dụng và quá rộng để kết tội những người kêu gọi đổi mới”.

Giới chức (Việt Nam) cần ngay lập tức bỏ các cáo buộc đối với ông Đặng Đăng Phước và những nhà hoạt động khác, những người đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ những quan chức làm sai, tham nhũng mà Chính phủ vẫn kêu gọi phải chống” – ông Phil Robertson nói tiếp.

Theo RFA, thầy giáo dạy nhạc Đặng Đăng Phước, 60 tuổi, đang là giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk khi ông bị bắt vào ngày 8/9/2022. Ông thường xuyên sử dụng tài khoản mạng xã hội để bình luận về những vấn đề về xã hội, chính trị và môi trường, ủng hộ những người yếu thế, bao gồm cả những dân oan mất đất và những người Thượng. Vì lý do này, thầy giáo Đặng Đăng Phước viết rằng, ông “cất tiếng nói để giúp làm giảm những bất công trong xã hội”.

Theo kết luận điều tra của Công an Đắk Lắk, ông Phước bị cho là “có hành vi viết hoặc tải từ mạng Internet nhiều bài viết có nội dung không khách quan, không đúng sự thật; vu khống, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân… gây kích động, hoang mang trong nhân dân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.”

Nếu bị kết án tù, thày giáo Đặng Đặng Phước có thể phải đối mặt với án tù cao nhất lên đến 12 năm, RFA cho hay.

Trên trang Facebook cá nhân, bà Lê Thị Hà, vợ thầy giáo Đặng Đăng Phước, cho biết phiên xử sẽ diễn ra công khai và kêu gọi mọi người quan tâm đến tham dự.

Khác các vụ án chính trị khác, trong vụ án của thầy giáo Phước, bà Hà trong giai đoạn điều tra được gặp chồng mình vài lần trong trại tạm giam của Công an tỉnh Đắk Lắk.

Hình: Bài trên RFA

Trong một bài báo trước đó, ngày 19/4, RFA cho biết, các bài viết mà kết luận điều tra của cơ quan Công an, đề cập đến sự kiện đàn áp Đồng Tâm, hoà hợp dân tộc, chống tham nhũng, phê phán chính sách đối phó với đại dịch COVID…

Ông Phước còn bị cho là sử dụng thư điện tử để gửi nhiều bài viết có nội dung nêu trên đến nhiều cơ quan, tổ chức, và cá nhân trong và ngoài nước, cũng như ký tên vào 20 kiến nghị, kháng thư, và tuyên bố của các nhân sĩ trí thức, đề nghị sửa đổi Hiến pháp, đòi bầu cử tự do, phản đối Trung Quốc, bãi bỏ Điều 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” của Bộ luật Hình sự 1999, công khai phản đối Luật An ninh mạng năm 2018 vốn bị quốc tế chỉ trích…

Ông Phước cũng bị cáo buộc đã trực tiếp hát và đánh đàn cho người khác hát nhiều bài hát với nội dung gây chiến tranh tâm lý, nhằm mục đích chống Nhà nước và lôi kéo người bất đồng chính kiến, nhẹ dạ, để “diễn biến hoà bình”.

Các bài hát mà phía công an nêu tên, gồm có “Gánh xiếc to trên quê hương bé nhỏ” của nhạc sĩ Tuấn Khanh, “Chúng đi buôn” và “Con đường Việt Nam.” Tuy nhiên, phía công an không xác định được cụ thể thông tin cá nhân của nhạc sĩ Tuấn Khanh để điều tra về bài hát được cho là của ông. RFA cho hay.

Việt Nam vẫn thường xử dụng các điều luật như Điều 117 (Điều 79 cũ) và Điều 331 (Điều 88 cũ) của Bộ luật Hình sự 2015 để bỏ tù người bất đồng chính kiến. Các tổ chức quốc tế và các tổ chức xã hội dân sự đã nhiều lần lên tiếng phản đối và đòi xóa bỏ các điều luật mơ hồ này. Nhưng đến nay, Đảng Cộng sản và chính quyền của họ vẫn phớt lờ những yêu cầu chính đáng này.

Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Các tổ chức quốc tế lên tiếng về vụ các luật sư nhân quyền bị điều tra

>>> Nói chuyện chuyên môn thì khó, nên đại biểu Quốc hội nói chuyện mặc áo dài

>>> Trung Quốc có thật sự muốn đóng vai trò hòa giải ở Ukraine?

Nếu không cải tổ chính trị, Việt Nam sẽ tuột dốc