Chú Sam là biệt hiệu và hình tượng nhân hoá của Hoa Kỳ. Hình tượng một ông già người Mỹ gốc châu Âu, mặc lễ phục gile, đầu đội mũ chóp cao có hoa văn cờ Mỹ sao và sọc, thân hình cao gầy, để râu dê, phong độ tuấn tú, tinh thần khỏe mạnh. Hình tượng truyện tranh đó do hoạ sĩ nổi tiếng James Montgomery Flagg vẽ cho Uỷ ban Thông tin công cộng, và nó trở thành hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho nước Mỹ.
Có thể nói rằng, VinFast tiến vào thị trường Mỹ chính là tìm đường vào nhà Chú Sam. Nhà chú này rất giàu, một doanh nghiệp không chui vào được nhà Chú Sam thì chưa thể gọi là doanh nghiệp toàn cầu được. Những hãng ô tô của Trung Quốc dù có số lượng bán ra thị trường rất lớn, nhưng vẫn chưa được xem là doanh nghiệp toàn cầu, vì chỉ bán chủ yếu cho thị trường nội địa Trung Quốc, và bán ra thị trường một số nước nghèo khác. Ngược lại, có những doanh nghiệp có doanh số không quá lớn, nhưng đứng vững tại thị trường Mỹ, thì nó vẫn là doanh nghiệp toàn cầu.
VinFast của ông Phạm Nhật Vượng nuôi ước mơ trở thành một doanh nghiệp toàn cầu. Ước mơ này được ông Vượng công khai trên báo chí và ông đang thực hiện ước mơ đó. Để vào được nhà Chú Sam, thì VinFast phải làm 2 việc, đó là huy động vốn ở nhà Chú Sam và chiếm lĩnh thị trường Chú Sam.
Huy động vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ, ông Phạm Nhật Vượng đã chuẩn bị từ năm ngoái, và đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng Khoán Hoa Kỳ SEC vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, mới đây, báo chí đồng loạt thông báo rằng, VinFast của ông Phạm Nhật Vượng đã rút đơn IPO. Đây là dấu hiệu cho thấy, con đường huy động vốn trên thị trường chứng khoán Mỹ theo cổng chính đã bị khép.
Sau khi rút đơn, VinFast dự định sẽ nộp đơn đăng ký mới để niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, sau khi hợp nhất với Black Spade, Công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), đã được niêm yết trước đó. Đây được xem là đường vòng, VinFast lách qua cánh cửa hẹp, bám vào doanh nghiệp mới sáp nhập, để lên thị trường chứng khoán huy động vốn.
Để phát triển doanh nghiệp, ông Phạm Nhật Vượng cần phải đảm bảo hai điều, thứ nhất là nguồn vốn dồi dào, thứ nhì là sản phẩm phải đủ khả năng cạnh tranh. Tại Việt Nam, VinGroup là vua. Doanh nghiệp này thao túng truyền thông, thao túng quyền lực chính trị, nên tạo ra sân chơi cho riêng mình. Tuy nhiên ra thế giới, những lợi thế đó hoàn toàn mất đi, VinFast bị đánh giá như là con gà con đang tham gia vào sân chơi của đàn voi chiến trên thế giới.
Việc không đi được đường chính cho thấy, uy tín của VinFast bị đánh giá thấp và chính VinFast cũng tự thấy mình không đủ khả năng đường đường chính chính nhảy vào thị trường vốn của Mỹ, nên họ đành phải đi đường vòng. Việc đi đường vòng cũng làm cho các nhà đầu tư tiềm năng cân nhắc khi xuống tiền mua cổ phiếu của một doanh nghiệp không được đánh giá cao.
Đấy là vấn đề huy động vốn, VinFast có uy tín thấp. Còn về sản phẩm, liệu VinFast có đủ sức cạnh tranh với Tesla, Hyundai, Nissan vv… hay không, thì ắt hẳn khách hàng tại Mỹ cũng có câu trả lời. Khi VinFast rời khỏi tổ kén của nó là thị trường Việt Nam, thì xe của nó bị chê thậm tệ. Những lời chê này chính là rào cản rất lớn để VinFast có thể xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tại Mỹ. Cho đến nay, VinFast chỉ bán ra khoảng hơn 100 chiếc xe, một số lượng như muối bỏ biển đối với thị trường ô tô Mỹ.
Thị trường Mỹ được xem là máng ăn khổng lồ cho những doanh nghiệp toàn cầu. Tuy là máng ăn khổng lồ, thế nhưng không phải ai cũng có thể vào đó giành phần. Vào thị trường Mỹ không chỉ cần đủ năng lực, mà còn cần có đủ uy tín. Phải là doanh nghiệp tử tế, còn nếu “cà chớn” như Huawei của Trung Quốc, thì sẽ bị triệt hạ ngay. Cho đến nay, VinFast vẫn đang lúng túng chưa biết hòa nhập vào cuộc chơi toàn cầu như thế nào.
Thu Phương – thoibao.de (Tổng hổng)